Đông y chữa chứng không phóng tinh
Các Website khác - 26/01/2005

Không phóng tinh khi giao hợp không chỉ làm nam giới mất cơ hội hưởng cảm giác thỏa mãn mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh.

Bình thường, ở nam giới khỏe mạnh, hành vi tình dục bao gồm các giai đoạn: Ham muốn, hưng phấn, bột khởi, cương cứng, giao hợp, trạng thái khoái cảm tột cùng (cực khoái), phóng tinh, thỏa mãn. Trường hợp dương vật vẫn bột khởi, cương cứng, có thể giao hợp nhưng không phóng tinh, cũng không có cảm giác cực khoái, dương vật cương cứng một thời gian rồi mềm dần được gọi là chứng bệnh “giao hợp không phóng tinh”, gồm các loại:

- Ống dẫn tinh, niệu đạo... bị viêm nhiễm, sưng tấy, kết sẹo, không cho tinh dịch phóng ra ngoài, nhưng vẫn có cảm giác phóng tinh và có cực khoái.

- Phóng tinh ngược: Hệ cơ trơn bị tổn thương do phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc bàng quang; hoạt động của hệ cơ trơn, cơ thắt cổ bàng quang bị rối loạn (không thắt lại khi phóng tinh), khiến tinh dịch không đi ra theo niệu đạo mà phóng ngược vào bàng quang.

Ngoài ra, có trường hợp quá trình giao hợp vẫn diễn ra bình thường, nhưng tinh dịch không phóng mạnh, mà chỉ chảy từ từ ra ngoài, gọi là “phóng tinh yếu” , “xạ tinh vô lực”, không thuộc phạm vi chứng bệnh “giao hợp không phóng tinh”.

Nguyên nhân dẫn đến không phóng tinh có rất nhiều, chủ yếu là:

- Nhân tố thần kinh: Thường gặp nhất. Do quá căng thẳng khi giao hợp, các trung tâm phản xạ thần kinh bị ức chế, dẫn tới hiện tượng mất cực khoái và không thể xuất tinh.

- Mệt mỏi quá độ: Do làm việc quá sức, quá lo nghĩ và bận rộn với công việc, hoặc do thường ngày sinh hoạt tình dục không tiết chế, thủ dâm quá nhiều khiến tinh huyết suy kiệt, cơ thể bị suy yếu quá mức, gây ảnh hưởng đến trung tâm điều khiển phóng tinh mà dẫn đến bệnh.

- Bệnh tật hoặc tổn thương: Một số bệnh như cường tuyến giáp, đái tháo đường, chức năng tuyến yên bị suy giảm, tổn thương tủy sống, tổn thương cục bộ ở cơ quan sinh dục... cũng có thể dẫn đến giao hợp không phóng tinh.

- Do thuốc men: Một số thuốc hạ huyết áp, thuốc tê, thuốc gây mê, thuốc ngủ, thuốc an thần, một số loại Đông dược quá đắng lạnh (khổ hàn)... cũng có thể gây trở ngại đến sự phóng tinh.

- Phương pháp, tư thế giao hợp không hợp lý, độ kích thích không đủ mạnh, không thể tạo trạng thái hưng phấn cao cũng có thể dẫn đến giao hợp không phóng tinh.

Theo Đông y, hiện tượng không xuất tinh khi giao hợp có liên quan mật thiết đến tạng thận và tạng can cũng như trạng thái của âm dương, khí huyết và hoạt động của tất cả các tạng phủ khác trong cơ thể. Tạng thận chủ quản chức năng sinh dục. Tạng can chủ cân (gân) và quản lý trực tiếp tôn cân (dương vật). Thận khí yếu, thận tinh suy kiệt, tạng can bị nhiệt kết, khí hư huyết ứ... đều có thể khiến chức năng đóng - mở của “tinh quan” bị rối loạn. “Tinh quan” theo nghĩa hẹp là “cửa tinh”, nghĩa rộng chỉ toàn bộ các hoạt động sinh lý trong quá trình phóng tinh.

Để chữa trị, có thể căn cứ vào các biểu hiện cụ thể (chứng trạng) nhằm nhận biết loại hình, xác định phép chữa và sử dụng các bài thuốc hoặc món ăn thích hợp.

Nhiệt uất kết ở kinh can: Tôn cân (dương vật) bột khởi cứng rắn, thời gian giao hợp tương đối dài (nói chung trên 30 phút), nhưng không thể đạt tới trạng thái khoái cực và không thể phóng tinh. Tôn cân cứ cứng mãi, rất lâu mới mềm trở lại, có khi sau khi giao hợp cả giờ đồng hồ; lúc ngủ thiếp đi, tinh dịch mới tiết ra.

Người bị nhiệt kết ở kinh can thường xuất tinh khi ngủ mê (mộng tinh). Ngoài ra, thường kèm theo các chứng trạng toàn thân như miệng đắng, họng khô; người bồn chồn, dễ cáu giận, mắt đỏ, tai ù, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác (căng như dây đàn, nhịp đập nhanh). Ở một số người, tinh hoàn và hai bên phía bụng dưới có cảm giác tức đau khó chịu.

Phép chữa: Thanh can, giải uất, thông tinh quan.

Bài thuốc tiêu biểu: Long đảm thảo (sao rượu), chi tử, đương quy (sao rượu), sài hồ, mộc thông mỗi thứ 10 g, hoàng cầm (sao rượu) 12 g, trạch tả, xa tiền tử, sinh địa (sao rượu) mỗi thứ 15 g, ngưu tất 6 g, xương bồ 6 g, đại hoàng 3 g, cam thảo 5 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

- Trà thuốc: Dùng hoàng hoa thái (hoa hiên) 30 g, mã xỉ hiện (rau sam) 30 g; sắc nước uống thay trà trong ngày. Hoa hiên và rau sam đều là những thứ có tác dụng thanh nhiệt giải độc; có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị chứng không phóng tinh dạng kinh can bị uất nhiệt.

- Cháo đậu đỏ: Dùng đậu đỏ nhỏ hạt (xích tiểu đậu) 30 g, gạo tẻ 30 g, đường trắng lượng thích hợp. Trước hết nấu chín đậu đỏ, sau đó cho gạo vào cùng nấu đến khi gạo chín nhừ; thêm chút đường cho đủ ngọt, ăn vào lúc sáng sớm thay bữa điểm tâm. Đậu đỏ nhỏ hạt có tác dụng thanh nhiệt, tán ứ, tiêu thũng; gạo tẻ có tác dụng ích vị, sinh tân dịch. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, chỉ dùng cháo này để chữa trị cũng có thể đạt kết quả tương đối khả quan.

Huyết ứ, tinh quan rối loạn: Không đạt đến khoái cực, không phóng tinh trong khi giao hợp, dương vật thường có cảm giác tức đau. Kèm theo các chứng trạng toàn thân như ngực đầy tức khó chịu, tính tình trầm mặc, không thích giao tiếp, dễ xúc động, nổi giận vô cớ. Chất lưỡi tím tái hoặc có điểm ứ huyết; rêu lưỡi mỏng. Mạch trầm sáp (chìm, rít). Dạng bệnh này thường kéo dài và điều trị tương đối khó khăn.

Phép chữa: Hoạt huyết hóa ứ, thông tinh quan.

Bài thuốc tiêu biểu: Ngưu tất, đương quy, sinh địa mỗi thứ 12 g, đào nhân (nhân hạt đào), hồng hoa (không phải là hoa hồng), xuyên khung, xích thược, chỉ xác, sài hồ mỗi thứ 10 g, cát cánh 6 g, cam thảo 3 g. Sắc nước, uống ấm, chia 3 lần uống trong ngày.

- Cháo nhân hạt đào: Dùng hạt đào, đập bỏ vỏ, lấy phần nhân (đào nhân) 10 g, cùng với 30-40 g gạo tẻ, nấu cháo ăn vào buổi sáng sớm. Theo Đông y, đào nhân có tác dụng thông huyết ứ, nhuận táo, sinh tân dịch; thường sử dụng để chữa trị các chứng huyết ứ, cũng có thể sử dụng để chữa không xuất tinh do huyết ứ gây nên.

- Canh đào nhân mặc ngư: Dùng cá mực (mặc ngư) 1 con, đào nhân 6 g, nấu thành món canh ăn. Cá mực có tác dụng thông huyết, đi vào kinh can, phối hợp với đào nhân nên tác dụng thông ứ huyết càng mạnh; có thể dùng chữa không xuất tinh do huyết ứ gây nên.

Âm hư hỏa vượng, tinh quan không mở: Tình dục dễ bị kích thích, tôn cân dễ bột khởi, nhưng có khi không đủ độ cứng, không phóng tinh trong khi giao hợp. Hay xuất tinh khi ngủ mê. Kèm theo các chứng trạng như phiền táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện bí. Miệng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu. Mạch tế sác (nhỏ nhanh).

Phép chữa: Tư âm giáng hỏa, điều tiết tinh quan.

Bạch thược.
Bài thuốc tiêu biểu: Sinh quy bản 12 g, bạch thược, sơn dược, phục thần mỗi thứ 9 g, thục địa hoàng 15 g, tri mẫu, hoàng bá (sao với giấm), đan bì mỗi thứ 6 g, sơn thù nhục, ngũ vị tử, viễn chí, xương bồ mỗi thứ 10 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

- Móng lợn hầm hành: Dùng móng chân lợn 4 cái, hành 50 g. Móng chân lợn rửa sạch, chẻ nhỏ, cho vào nồi, thêm nước, hành và mắm muối, đun sôi, giữ nhỏ lửa cho đến khi chín nhừ. Móng lợn có tác dụng tư âm dưỡng huyết, hành có tác dụng thông tinh quan. Hai thứ phối hợp với nhau, có tác dụng điều trị nhất định đối với những trường hợp không phóng tinh do âm huyết suy hư.

- Cháo sinh địa táo nhân: Dùng sinh địa 30 g, toan táo nhân 30 g, gạo tẻ 50 g. Trước hết nấu sinh địa và táo nhân lấy nước, bỏ bã, sau đó cho gạo vào nấu cháo ăn. Sinh địa có tác dụng tư âm (dưỡng âm), thanh nhiệt. Táo nhân có tác dụng dưỡng huyết an thần. Dùng hai vị thuốc nấu cháo ăn có tác dụng hỗ trợ điều trị đối với những trường hợp không xuất tinh do âm hư hỏa vượng.

Mệnh môn hỏa suy, không đủ sức để mở tinh quan: Tình dục lãnh đạm, tôn cân bột khởi không cứng, thời gian giao hợp tương đối ngắn, không phóng tinh mà tôn cân tự nhiên mềm nhũn. Kèm theo các chứng trạng như lưng đau gối mỏi, người đuối sức, sợ lạnh, sắc mặt nhợt nhạt. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm tế hoặc trầm trì (chìm nhỏ hoặc chìm, chậm).

Phép chữa: Ôn thận tráng dương, thông tinh quan.

Bài thuốc tiêu biểu: Thục địa 12 g, sơn dược 12 g, sơn thù, đỗ trọng, thỏ ti tử, dương khởi thạch, ba kích thiên mỗi thứ 10 g, phụ tử chế 5 g, nhục quế, tiên linh tỳ, tiên mao, đẳng sâm mỗi thứ 20 g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

- Cháo thịt dê: Thịt dê 100 g, gạo tẻ 50 g. Thịt dê rửa sạch, thái thành miếng nhỏ, nghiền vụn. Gạo vo sạch, cho vào nồi thêm nước, nấu đến khi cháo chín một nửa, cho thịt dê vào trộn đều, nấu tiếp cho đến khi cháo chín hẳn. Chia ra ăn lúc nào tùy ý.

- Chim sẻ hầm: Chim sẻ 3-4 con, hồi hương, gừng, hành, muối... lượng thích hợp. Chim sẻ làm sạch lông, bỏ ruột, cho vào nồi hầm nhừ cùng với các thứ gia vị. Dùng làm thức ăn trong bữa cơm.

Cả hai món ăn trên đều có tác dụng ích thận, tráng dương, có điều trị tương đối hiệu quả chứng không phóng tinh cũng như các chứng dương nuy, di tinh do mệnh môn hỏa suy.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)