Dùng kháng sinh bừa bãi tạo vi khuẩn bất trị
Các Website khác - 04/02/2005

Việc dùng kháng sinh tùy tiện sẽ giết chết cả vi trùng có ích trong ruột, gây ra “hội chứng sau kháng sinh” với biểu hiện ăn không tiêu, tiêu chảy, đau bụng... Loại thuốc này còn có thể gây dị ứng như nổi mề đay, ban đỏ, hoặc sốc phản vệ dẫn đến chết người.

Theo Tổ chức châu Á nghiên cứu tác nhân vi khuẩn kháng thuốc, tỷ lệ kháng thuốc tại Việt Nam đang tăng với tốc độ nhanh. Năm 1997-1998, tỷ lệ phế cầu kháng penicillin là 30%; đến năm 2001-2002, tỷ lệ này đã hơn 50%, nếu tính luôn cả các trường hợp kháng thuốc trung gian thì có đến 90% phế cầu kháng penicillin.

Nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ kháng thuốc là sử dụng thuốc tùy tiện. Kháng sinh là có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển các loại vi khuẩn hay vi nấm; được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, một loại kháng sinh không trị được tất cả các bệnh nhiễm khuẩn; có loại trị được bệnh này mà không hiệu quả khi chữa bệnh khác.

Hiện nay, nhiều người dân Việt Nam đều xem kháng sinh như một loại “thần dược”. Theo ghi nhận ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, 80% trẻ đến khám đều có dùng kháng sinh trước đó. Điều tra của bệnh viện cho thấy, 70% trẻ chỉ bị cảm ho thông thường được cha mẹ tự điều trị bằng kháng sinh; hơn 40% trẻ mắc bệnh hô hấp sử dụng kháng sinh không hợp lý trước khi được đưa đến bệnh viện. Qua đánh giá của các bác sĩ, hiện nay hầu hết bệnh nhân khi mắc bệnh đều sử dụng kháng sinh trước vài ngày, khi bệnh không khỏi hoặc nặng hơn mới đến bác sĩ.

Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Phó Khoa Hô hấp của Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, thay vì giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, việc sử dụng kháng sinh không đúng liều, đúng bệnh, đúng thời gian sẽ “giúp” vi khuẩn nhận ra những điểm yếu của kháng sinh và dần dần chúng trở nên bất trị. Việc uống và ngưng thuốc tùy tiện sẽ làm tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc.

Nguy hiểm không chỉ đe dọa những người đã sử dụng kháng sinh tùy tiện mà cả những người vô can cũng bị liên lụy và phải gánh chịu những hậu quả không phải do mình gây ra. Vi khuẩn kháng thuốc dễ dàng lây từ những bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh sang những người khỏe mạnh, khiến họ dù chưa bao giờ sử dụng kháng sinh nhưng cũng bị “lờn thuốc”. Bác sĩ Trần Văn Ngọc khẳng định, tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc gia tăng một cách nhanh chóng đang là vấn đề rất lớn của toàn cầu, đặc biệt là với nhóm vi khuẩn gây nhiễm trùng hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi... Điều đau đầu nhất là tốc độ phát hiện kháng sinh mới không đuổi kịp tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn.

(Theo Người Lao Động)