Trong lúc tưởng chừng như đã cận kề cửa tử, chàng thanh niên rất may mắn được một bác sĩ cùng tập trong phòng Gym khi đó tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân, gọi xe đưa đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Hà Đông và tiếp đó được chuyển thẳng đến Khoa Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai lúc 18h15’ cùng ngày trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.
Sự việc xảy ra vào lúc 15h45’ chiều ngày 6/3 tại một phòng tập Gym ở Hà Đông, Hà Nội. Bệnh nhân là anh Jack Gibson, 23 tuổi, quốc tịch Úc, ở Hà Đông – Hà Nội.
Tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 3 điểm), ngừng thở, không có mạch bẹn. Ngay lập tức, các y bác sĩ trực đã tiến hành hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy qua mask, tiêm thuốc adrenalin, đặt ống nội khí quản, và thở máy...) và khoảng 40 phút sau thì tim đập trở lại.
Bệnh nhân Jack được điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngay khi bệnh nhân ổn định hơn, mạch quay rõ, huyết áp ổn định, bác sĩ trực Đỗ Hữu Nghị (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) đã gọi điện ngay cho bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, bác sĩ của Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai để hội chẩn. Do vẫn đang ở xa, chưa thể về kịp, bác sĩ Đạt đã gọi điện cho BS. Lương Quốc Chính đang trực ở khoa.
Sau khi nắm rõ tình hình, BS.Chính nhận định đây là một trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, khỏe mạnh, bị ngừng tuần hoàn đột ngột đã được tái lập tuần hoàn và có khả năng hồi phục nếu được hồi sức tích cực. Không trì hoãn, BS. Chính lập tức khởi động ngay dây truyền hồi sức và hạ thân nhiệt để chuẩn bị đón bệnh nhân vào, tiếp đó bàn giao chi tiết từng vấn đề xung quanh bệnh nhân này cho bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn đến nhận trực thay ca.
Khoảng 18h15’ tối cùng ngày, bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, lúc này bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt cũng vừa về kịp. Tình trạng bệnh nhân có khá hơn nhưng vẫn còn rất nặng, hôn mê sâu (GCS 7 điểm), mạch nhanh: 110 lần/phút, huyết áp ổn định bằng thuốc vận mạch (130/70 mmHg), thở máy qua ống nội khí quản, đồng tử hai bên đều (kích thước 2 mm) nhưng phản xạ với ánh sáng rất kém. Sau khi trao đổi nhanh, các bác sĩ trực gọi điện xin ý kiến lãnh đạo khoa và bệnh nhân đã được áp dụng ngay liệu pháp hạ thân nhiệt (mục tiêu hạ thân nhiệt xuống 33 độ C trong ít nhất 24 giờ) và hồi sức tích cực để phục hồi não, chống nhiễm trùng... Quy trình hạ thân nhiệt cho bệnh nhân mất 3 ngày: 24 giờ đầu hạ từ từ thân nhiệt xuống 33 độ C, sau 48 giờ tiếp nâng dần về nhiệt độ cơ thể bình thường.
Bác sĩ đang kiểm tra cho bệnh nhân Jack tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai. (Ảnh do BS cung cấp)
BS. Chính cho biết, trước đó, một bệnh nhân nữ 67 tuổi, ở TP. Ninh Bình cũng đã được áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt và hồi sức tích cực thành công. Đây là bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp ngày 3/3 tại BV Bạch Mai. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo hoàn hoàn, tự thở được qua ống nội khí quản, và được rút ống nội khí quản. Ngay sau rút ống, bệnh nhân xuất hiện khó thở, thở rít, và ngừng tuần hoàn rất nhanh ngay trước mắt y bác sĩ - đây là một biến chứng co thắt thanh quản khó lường trước, nhất là ở những bệnh nhân có tổn thương và phẫu thuật vùng cổ. Biến chứng này có thể khiến bệnh nhân tử vong rất nhanh nếu không xử trí đúng và kịp thời. Bệnh nhân đã được mở khí quản cấp cứu và hồi sinh tim phổi, sau vài phút thì tuần hoàn được tái lập, và được chuyển xuống Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 8 điểm), mạch nhanh (120 lần/phút), huyết áp ổn định bằng thuốc adrenalin truyền tính mạch (140/90 mmHg). Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ đã thăm khám, hội chẩn với lãnh đạo khoa và nhận định bệnh nhân có thể hồi phục nếu áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt và hồi sức tích cực. Không mất nhiều thời gian, sau vài giờ, bệnh nhân đã được an thần, giãn cơ, thở máy... và hạ thân nhiên xuống mức 33 độ C.
BS. Chính cũng cho biết, trong quá trình hạ thân nhiệt và hồi sức tích cực cho hai bệnh nhân, y bác sĩ đã gặp nhiều phen hú vía vì tình trạng của bệnh nhân có những biến chuyển bất lợi như tụt huyết áp. Tuy nhiên, không phụ lòng và công sức của y bác sĩ cũng như gia đình, hai bệnh nhân đã hồi phục rất tốt, tỉnh táo hoàn toàn, không phải thở máy, không có di chứng về vận động, mạch và huyết áp đều ổn định.
Bệnh nhân Úc cùng người thân tại BV Bạch Mai trong ngày ra viện. (Ảnh FB)
Đến ngày thứ 3 sau khi vào viện, bệnh nhân người Úc đã mở tỉnh trước sự vui mừng của người thân và các y bác sĩ. Sau 13 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được ra viện trở về Úc tiếp tục điều trị phục hồi chức năng và hiện đã khỏe mạnh ra viện trong niềm hạnh phúc của những người thân.
Được biết, Jack Gibson là một sinh viên người Úc (mẹ là người Việt) tình nguyện sang Việt Nam dạy tiếng Anh cho đồng bào Mông ở Sa Pa trong đợt nghỉ giữa kỳ vừa qua. Gia đình bệnh nhân đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các y bác sĩ, và hy vọng thông qua bài viết, cộng đồng và y bác sĩ sẽ có thêm những kinh nghiệm và thấy được vai trò quan trọng của các biện pháp sơ cứu/cấp cứu ban đầu nhằm tạo thuận cho việc điều trị cũng như hồi phục của bệnh nhân sau này.
▪ Những lợi ích cho sức khỏe khi bạn cười (24/05/2016)
▪ Những trục trặc về ‘súng’ không nên bỏ qua (24/05/2016)
▪ Phục hồi thị lực sau 40 năm nhờ cấy mắt điện tử (23/05/2016)
▪ Những loại thực phẩm khiến bạn trở nên cáu kỉnh (23/05/2016)
▪ Chị em sôi sục với sản phẩm giúp trẻ hoá làn da ngay tức khắc (21/05/2016)
▪ 5 thành tựu y học “cách mạng hóa” đời sống tình dục (21/05/2016)
▪ Khổ dâm và bạo dâm - hai bệnh lệch lạc tình dục trái ngược nhau (21/05/2016)
▪ Ca dị ứng kinh hoàng vì... tự làm bác sĩ (21/05/2016)
▪ Chữa đau xương khớp nhờ ngải cứu (20/05/2016)
▪ Mỹ nhân U40 Kate Hudson tiết lộ bí quyết giữ dáng (20/05/2016)