Phục hồi thị lực sau 40 năm nhờ cấy mắt điện tử
Tinh tế - 23/05/2016
Sau 40 năm ‘sống trong bóng tối’, John Jameson - một người đàn ông ở Texas (Mỹ) đã có thể nhìn thấy ánh sáng, sau khi được cấy vào một con mắt điện tử (bionic). Bốn thập kỷ trước, một căn bệnh nhiễm trùng đã cướp đi thị lực của Jameson. May mắn thay, vợ ông tình cờ phát hiện ra giải pháp cấy mắt điện tử - một cách thức hữu hiệu thắp lên hy vọng lấy lại thị lực, đã nhận được phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cách đây không lâu.

Jameson thừa nhận ông đã phải trải qua triệu chứng song thị (nhìn một vật thành 2 vật) ở một số thời điểm nhất định, sau khi phẫu thuật vào tháng trước. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm rằng tầm nhìn của mình đã được cải thiện đáng kể. “Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi thích nhìn thấy cảnh thiên nhiên thức dậy”, Jameson chia sẻ. “Hồi bạn còn là một đứa trẻ, bạn sẽ thức dậy vào buổi sáng Giáng sinh, bước xuống nhà và nhìn thấy cây thông lấp lánh đèn, cùng với những món quà, và tất cả mọi thứ. Điều bạn nhận được đó là niềm vui. Và bây giờ, điều đó xảy ra với tôi mỗi ngày, bởi vì mỗi ngày sau khi thức dậy, tôi đều có thể nhìn thấy được nhiều hơn và nhiều hơn nữa”. 
 

võng-mạc-Argus_tinhte.png


Mặc dù võng mạc nhân tạo Argus II đã được FDA chấp thuận đưa vào sử dụng, những ca cấy phẫu thuật kiểu như vầy được cho là tương đối hiếm. Để Argus II có thể giúp người khiếm thị nhìn thấy là sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bộ phận. Trong đó, một cặp kính đặc biệt sẽ ghi nhận thế giới bên ngoài và biến nó thành hình ảnh có thể được chiếu vào võng mạc. Sau võng mạc, các bác sĩ sẽ cấy vào một tấm điện cực đóng vai trò truyền tín hiệu đến não bộ. Mặc dù không cho bệnh nhân một cái nhìn bình thường, nhưng người được cấy ghép mắt điện tử có thể nhận biết được phần nào hình dáng của sự vật. 

Hiện các bác sĩ vẫn chưa tiết lộ thông tin về phương pháp được áp dụng đối với trường hợp của Jameson, nhưng khả năng là họ đã dùng Argus II. Argus II được thiết kế như một biện pháp đối phó với chứng Viêm võng mạc sắc tố, một bệnh di truyền về mắt, gây hại cho các tế bào nhạy sáng võng mạc. Những tế bào này có nhiệm vụ gửi những tia sáng đi qua dây thần kinh thị giác tới não, dưới dạng các xung điện.

Điều kiện để thực hiện phẫu thuật cấy ghép Argus II là bệnh nhân phải trên 25 tuổi (khi mắt đã phát triển đầy đủ), và có khả năng nhìn thấy trước đó. Các nhà phát minh mắt điện tử đến từ công ty có trụ sở tại California (Mỹ), hy vọng họ có thể giúp Argus II trở thành một liệu pháp điều trị trên phạm vi rộng hơn, đối với hầu hết các khuyết tật về thị giác.