Nhiều người ăn khỏe làm khỏe nhưng thân hình vẫn như cây sậy. Loại gầy này không đáng lo. Ngược lại, có những người bị gầy do hậu quả của các bệnh lý vốn có từ trước như rối loạn tiêu hóa, nội tiết, tâm lý...
Đến nay, chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào về tình trạng gầy ốm của con người. Các nhận xét đa phần chỉ dựa trên cơ sở cảm nhận mà thôi. Theo sách Nội tiết học của giáo sư Mai Thế Trạch, tình trạng gầy xảy ra khi lượng mỡ dự trữ của cơ thể quá ít, đó chính là sự thiếu cân so với chiều cao của cơ thể, tức là khi cân nặng của người bệnh thấp hơn 15% số cân nặng lý tưởng. Số cân nặng lý tưởng này cũng rất khác nhau tùy theo tiêu chuẩn của mỗi quốc gia và từng chủng tộc.
Ngày nay, để xem một người gầy hay béo, người ta thường dựa vào chỉ số BMI: bằng giá trị của trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao của cơ thể (tính bằng cm). Chỉ số này được toàn thế giới công nhận và một người được coi là gầy khi BMI dưới 19 đối với nữ và dưới 20 đối với nam.
Gầy "khỏe" - gầy thể tạng
Việc chẩn đoán dạng gầy này khá dễ dàng, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, thầy thuốc mới cần đến việc đo các chỉ số nếp da trên các phần khác nhau của cơ thể như ở tay, bụng, ngực, nách... Thiếu cân nhiều chưa chắc đã là có bệnh nặng. Theo đánh giá của các thầy thuốc và chuyên gia dinh dưỡng, gầy thể tạng không phải là một nguy cơ cho sức khỏe.
Có rất nhiều yếu tố được coi là nguyên nhân của gầy thể tạng. Theo các nghiên cứu thì di truyền chắc chắn có vai trò khá quan trọng, vì người ta thường thấy những gia đình có nhiều người cùng bị gầy và hiện tượng này thường xảy ra ở tuổi niên thiếu, đến khi trưởng thành số cân nặng sẽ ổn định hơn.
Kế đến nguyên nhân về chuyển hóa: Những người gầy, đôi khi có tiền sử bị suy dinh dưỡng lúc thơ ấu. Tuy nhiên, việc tìm ra nguyên nhân rối loạn chuyển hóa ở những bệnh nhân gầy rất khó. Với phần lớn những người này, vấn đề chuyển hóa hoàn toàn bình thường và lượng thức ăn đưa vào cơ thể đôi khi còn nhiều hơn những người bình thường. Ngoài ra, người ta còn thấy ở những người gầy thể tạng, sự tiêu thụ năng lượng của họ cao hơn bình thường, và khi quan sát các tế bào mỡ thấy có hiện tượng giảm số lượng tế bào mỡ chứ không phải giảm kích thước của tế bào.
Ngoài nguyên nhân về thẩm mỹ, gầy thể tạng không cần phải điều trị. Có một điều khá thú vị là những người gầy thể tạng thường có tuổi thọ cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, phần lớn họ đều có ít nhiều những rối loạn về tâm lý. Họ hay lo âu, hoang tưởng về bệnh tật, dẫn đến thiếu tự tin trong công việc và cuộc sống. Những than phiền hay gặp nhất là trong lĩnh vực tiêu hóa, tim mạch và tình dục. Vai trò của bác sĩ tâm lý rất quan trọng vì ở những người này, việc áp dụng các phương pháp điều trị khác rất khó thành công.
Gầy "yếu" - gầy bệnh lý
Loại gầy này thường kết hợp với suy giảm khối lượng protid của cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến gầy bệnh lý:
- Nhóm bệnh về chuyển hóa hay tiêu hóa: Những bệnh này làm tăng quá trình chuyển hoá của cơ thể, hoặc rối loạn tiêu hóa, đưa đến tình trạng kém hấp thu của dạ dày và ruột non. Các bệnh thường dẫn đến gầy thuộc nhóm này gồm có: lao, nhiễm khuẩn nặng, ung thư, bệnh hệ thống, các rối loạn tiêu hóa nặng, viêm tụy mạn tính, tắc mật, bệnh Crohn...
- Yếu tố về nội tiết: Như tiểu đường phụ thuộc Insulin không được điều trị hay điều trị không đúng cách, hội chứng cường giáp, suy vỏ thượng thận, u tủy thượng thận...
- Yếu tố tâm lý: Cùng với sự giảm trọng lượng là giảm khối lượng protide trong bệnh chán ăn ở trẻ sơ sinh và trẻ em, chán ăn do rối loạn tâm thần, chán ăn ở người cao tuổi, chán ăn trong tình trạng stress.
- Điều trị không đúng phương pháp: Chữa béo phì không đúng cách, sử dụng các chế độ ăn mất cân đối, nhịn hoàn toàn hoặc sử dụng các loại thuốc gây chán ăn, hormone tuyến giáp, lợi tiểu, phẫu thuật...
Có thể phân biệt gầy bệnh lý với gầy thể tạng nhờ các dấu hiệu sau: Gầy hoặc mất khối lượng mỡ một cách nhanh chóng kèm rối loạn chuyển hóa chất đạm, làm người bệnh bị gầy toàn bộ cơ thể, mệt mỏi nặng và kéo dài do tiêu giảm khối lượng cơ bắp, chán ăn toàn thể.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Mẹo nhỏ với bia (03/11/2004)
▪ Mối liên hệ nguy hiểm giữa thuốc kháng sinh và ung thư vú (05/11/2004)
▪ Bí quyết sống lâu (06/11/2004)
▪ Mắt bị thoái hóa pha lê thể - điều trị thế nào? (06/11/2004)
▪ Trung Quốc cấm sử dụng thuốc gây nghiện trong phẩu thuật não (06/11/2004)
▪ Rủ nhau chích thuốc xóa nếp nhăn (06/11/2004)
▪ Thịt cóc (07/11/2004)