Ghép da nhân tạo, hy vọng mới cho các bệnh nhân bỏng
Các Website khác - 27/04/2005
Viện Bỏng quốc gia vừa áp dụng thành công bước đầu kỹ thuật ghép da mới giúp phục hồi vết bỏng nhanh hơn nhiều so với các kỹ thuật truyền thống.
Theo Thượng tá - bác sĩ Phạm Văn Gia, Phó giám đốc Viện Bỏng quốc gia: "Bước đầu chúng tôi đã làm chủ công nghệ sản xuất một số nguyên liệu và hy vọng có thể áp dụng kỹ thuật cao này trên nhiều bệnh nhân hơn".

Kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nằm trong dự án mang tên xúc tiến nuôi cấy nguyên bào sợi và tiến tới nuôi cấy tế bào sừng của Viện Bỏng quốc gia. Kỹ thuật áp dụng từ đầu năm 2005 nhằm chế tạo một loại da nhân tạo làm vật liệu che phủ trên các vết bỏng rộng cho bệnh nhân điều trị ở Viện.

Lớp da nhân tạo gồm hai thành phần chính là đế (hay còn gọi là giá) và các nguyên bào sợi phủ lên đế. Để da nhân tạo không bị hệ miễn dịch của bệnh nhân đào thải, các bác sĩ phải lấy tế bào sợi từ chính da lành của bệnh nhân. Họ cắt một mảnh da chừng 1cm2 từ mặt trong cánh tay hoặc mạng sườn rồi tách nguyên bào sợi ở chính mảng da nọ đưa vào môi trường nuôi cấy và nhân lên nhiều lần. Khi đủ số lượng cần thiết, họ gắn số nguyên bào sợi đó lên đế.

Vẫn theo bác sĩ Gia, bước đầu kỹ thuật được áp dụng trên một số bệnh nhân và cho kết quả khả quan. Lớp da nhân tạo giúp liền vết bỏng nhanh và hiệu quả hơn. Trước khi có kỹ thuật tiên tiến này, Viện Bỏng từng áp dụng ghép da dị loại (da ếch hoặc trung bì da lợn tươi) ghép da đồng loại (da người thân trong gia đình hoặc da tự thân, tức da của chính bệnh nhân ở vùng lành).

Công nghệ nhân nuôi tế bào sợi chuyển giao từ Nga và gần đây là Singapore cách đây không lâu. Các nhà khoa học phối hợp liên ngành dưới sự điều phối của Bộ Khoa học - Công nghệ. Hiện lớp đế được Nga cho không dưới dạng khuyến mại và không có dấu hiệu họ sẽ cho không một lần nữa dù công nghệ nhân nuôi nguyên bào sợi được chuyển giao qua hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật ký giữa Chính phủ Việt Nam và Nga.

Thành công trong việc cấy nguyên bào sợi chứng tỏ Viện Bỏng quốc gia tiếp tục dẫn đầu cả nước trong nghiên cứu và điều trị bỏng. Sắp tới, Bộ Khoa học - Công nghệ quyết định đầu tư không dưới 20-30 tỷ đồng cho phòng thí nghiệm của Viện.

Theo Theo Tiền phong