Quả dâu, vị thuốc
Các Website khác - 27/04/2005
Quả dâu có vị ngọt, chua, tính mát. Trái có thể dùng chữa bệnh gan thận yếu, chữa mồ hôi trộm cho trẻ hoặc làm đen tóc.
Quả dâu làm thuốc chọn loại thon dài, không thơm, thường gọi là dâu ta để phân biệt với dâu tây. Quả chứa đường, chủ yếu là glucose, fructose, acid hữu cơ, vitamin, sắc tố màu đỏ. Quả dâu được thu hái khi chín đỏ hoặc đen, để nguyên hoặc đồ chín, rồi phơi hoặc sấy khô.

Quả dâu, tên thuốc trong y học cổ truyền là tang thầm, có vị ngọt, chua, tính mát, được dùng trong những trường hợp sau:

- Thuốc nhuận tràng, giải khát : Rửa sạch quả dâu, để ráo nước, cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính với tỷ lệ 1/1 (cứ một lớp dâu lại một lớp đường, rồi đậy kín). Sau 5 - 7 ngày, sẽ được một thứ dịch mầu đỏ, thơm gọi là si rô dâu. Ngày uống hai lần, mỗi lần 2 - 3 thìa cà phê pha với nước nguội. Có thể pha dịch dâu với rượu 30o để thành rượu dâu, uống cũng rất tốt.

Thuốc chữa gan thận yếu, đau lưng, táo bón, chân tay tê bại ở người cao tuổi: Quả dâu tươi (1 kg) , loại quả đen càng tốt, nấu với nhiều lần nước, lọc sau mỗi lần nấu, rồi trộn các nước lọc lại, cô thành cao lỏng, thêm mật ong. Ngày uống hai lần, mỗi lần 10g. Hoặc ép lấy dịch dâu rồi cô thành cao mềm, ngày uống 6 - 9g.

- Thuốc bổ, làm ăn ngon, ngủ yên, sáng mắt, khỏi đau lưng : Quả dâu phơi khô (100g), vừng đen (100g), hạt sen bỏ tâm (100g), đỗ đen (100g). Tất cả sao vàng, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong vừa đủ để làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần, mỗi lần 30 viên với nước đun sôi để nguội.

- Thuốc chữa mồ hôi trộm ở trẻ em : Quả dâu chín (20g), lá dâu non (20g), đậu đen (30g), ô mai mơ (12g), vỏ hàu (12g, nướng chín), sắc với 400 ml nước còn 100ml, uống hai lần trong ngày.

- Thuốc làm đen tóc : Hàng ngày, ăn 50 - 100g quả dâu chín hoặc uống dịch dâu; kết hợp lấy dịch dâu pha loãng với nước, rồi chải tóc đều hàng ngày.

Theo Theo Đại đoàn kết