Giữ sức khỏe lúc giao mùa
Các Website khác - 26/05/2005
Thời tiết ở Nam Bộ đang ở thời kỳ nắng nóng, oi bức. Thời điểm này là điều kiện thuận lợi cho hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm phát triển.

Những ngày qua, số người vào viện ở các tỉnh phía nam cũng tăng vọt, đa số là trẻ em. Trong hai tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận khoảng 200 nghìn lượt người bệnh mắc những bệnh thường gặp như: sốt kèm theo sổ mũi ho, nôn mửa, tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp,.v.v. Tuy đây là các bệnh thông thường, nhưng khi trẻ sốt cao gây co giật, nếu không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Thời tiết thay đổi bất thường, nóng, là môi trường lý tưởng cho nhóm vi khuẩn ưa nhiệt từ 29 - 40 độ C phát triển mạnh. Đây là thời điểm cơ thể phòng vệ yếu nhất nên khi bị vi khuẩn tấn công rất dễ mắc bệnh. Nhóm trẻ em dưới 13 tuổi, người già, phụ nữ có thai và những người lao động ngoài trời, trực tiếp với nhiệt là các đối tượng dễ mắc bệnh, cần được bảo vệ.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng, Bộ Y tế, hiện viện đang triển khai các chương trình cụ thể tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp các đơn vị thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp các trung tâm y tế cộng đồng tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh trong cộng đồng, không để dịch gây chết người xảy ra. Trong vệ sinh lao động, một mặt kiểm tra phát hiện, xử lý những nơi vi phạm, đồng thời có sự hỗ trợ giúp các cơ sở thực hiện vệ sinh an toàn lao động. Trong cộng đồng, tổ chức truyền thông để dân có hiểu biết và có hành vi đúng trong sinh hoạt vệ sinh môi trường.

Tại Long An, tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong công tác phòng, chống bệnh mùa hè, Long An tập trung công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong hai tháng nắng nóng cao điểm là tháng tư và tháng năm, Long An thực hiện tháng An toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra các bếp ăn tập thể, quán ăn,... cố gắng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các tỉnh trong vùng đều có bệnh sốt xuất huyết. Đồng Tháp đang là điểm nóng. Anh Nguyễn Ngọc Ẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, trong những tuần vừa qua, mỗi tuần Đồng Tháp có 20 - 30 ca sốt xuất huyết, tăng bốn lần so tỷ lệ cùng kỳ các năm. Số ca sốt xuất huyết tăng bất thường trong mùa khô là dấu hiệu cho thấy nguy cơ bùng nổ dịch vào đầu mùa mưa khi muỗi, côn trùng có điều kiện phát triển. Trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, Đồng Tháp tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng chống như chuẩn bị mở ba chiến dịch diệt bọ gậy trong dân với tiêu chí: "không có muỗi không có bọ gậy, không có bọ gậy không có sốt xuất huyết"; các hộ dân làm tốt vệ sinh môi trường, không để ao tù, nước đọng quanh nhà; củng cố hệ thống y tế dự phòng; tập huấn công tác dự phòng và công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân kịp thời; chuẩn bị thuốc phun diệt muỗi, côn trùng khi cần thiết.

Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang... tuy ít số ca sốt xuất huyết hơn so với Đồng Tháp tại thời điểm giao mùa này, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch nếu không tổ chức phòng chống tốt. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã họp các tỉnh thành Nam Bộ phối hợp cùng nhau xử lý tình hình từ sớm, không để xảy ra dịch. Biện pháp phòng, chống hiệu quả nhất lúc này vẫn là vận động nhân dân diệt muỗi, diệt bọ gậy, dùng màn khi ngủ. Việc phun thuốc chỉ áp dụng trong phạm vi nhỏ, cục bộ nơi có dịch, không phun đại trà như trước. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh còn tổ chức nhiều đội lưu động đến các tỉnh có nguy cơ phát dịch để chuyển giao phác đồ điều trị và kinh nghiệm phòng dịch.

Đồng bằng sông Cửu Long còn đang là vùng lưu hành của bệnh sởi Đức (Rubella). Bến Tre có gần 700 người bị bệnh, Vĩnh Long gần 70 ca, Sóc Trăng gần 30 ca, Đồng Tháp bảy ca... Ngành y tế các tỉnh đã nỗ lực điều trị, tổ chức cách ly người bệnh, tiêm phòng bệnh cho người dân khu vực có bệnh lưu hành. Tình hình hiện nay đã tạm thời lắng dịu, song diễn biến theo dự đoán vẫn còn nhiều phức tạp.

Bên cạnh Rubella, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus H5N1 gây ra vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát dịch ở vùng sông nước này. Các địa phương vẫn phải theo dõi sát diễn biến bệnh này, tránh lập lại tình trạng năm 2004, đầu năm công bố hết dịch, nhưng cuối năm lại bùng phát do dập dịch không triệt để.