Chiều qua, 33 bệnh viện tuyến trung ương đóng ở khu vực phía Bắc đã ký cam kết với Bộ Y tế về việc trở thành cơ sở không thuốc lá. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn thừa nhận, phải mất nhiều thời gian mới loại bỏ được thuốc lá khỏi bệnh viện vì chính các bác sĩ cũng hút.
Sau khi phê chuẩn Công ước khung FCTC, Việt Nam phải có nhiều hành động để giảm tác hại của thuốc lá, trong đó có việc triển khai các khu vực công cộng không khói thuốc. Ở một nơi có hơn một nửa nam giới hút thuốc và hầu hết người dân đều coi việc hít phải khói thuốc nơi công cộng là bình thường, điều này khó thực hiện trong thời gian ngắn. Cách khả thi nhất là triển khai trước ở các bệnh viện - nơi cần nhất bầu không khí trong lành.
Theo cam kết mà các bệnh viện tuyến trung ương phía Bắc vừa ký với Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc trong bệnh viện sẽ giảm 80% vào năm sau và đến 2006, ở khu vực này sẽ không còn phụ nữ hút thuốc, còn tỷ lệ hút ở nam giới sẽ giảm xuống dưới 10%. Ngoài việc đặt biển cấm thuốc lá ở các phòng ban, cấm cán bộ hút thuốc tại nơi làm việc, các cơ sở này còn phải nghiêm cấm mặt hàng này tại các quầy dịch vụ trong khuôn viên bệnh viện, không quyết toán tiền mua thuốc lá.
Ông Nguyễn Ngọc Khang, thư ký Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế (VINACOSH), cho biết, thực ra những quy định trên đã được Bộ Y tế ban hành từ 3 năm trước. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đáng kể và dường như các cơ sở y tế chưa thực sự nhiệt tình trong việc này. Một khảo sát của Path Canada cho thấy, có đến 70% số lãnh đạo bệnh viện tỉnh cho rằng khó triển khai quy định cấm hút thuốc ở cơ sở y tế. Ở các tuyến khác, khoảng một nửa số lãnh đạo có quan điểm tương tự.
Theo ông Khang, cái khó đầu tiên đến từ chính thày thuốc. Thật không dễ nhắc nhở bệnh nhân và người nhà của họ không dùng thuốc lá trong khi chính các y bác sĩ cũng hút. Tỷ lệ nam bác sĩ hút thuốc là 46%, không thấp hơn là bao so với mặt bằng chung của nam giới Việt Nam (56%).
Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Giám đốc bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, khó khăn chủ yếu đến từ phía người bệnh và thân nhân của họ. Nhiều người cứ lờ đi khi được nhắc nhở về việc này, nếu cán bộ y tế kiên quyết thì bị góp ý là có thái độ không tốt. Nhiều gia đình còn mua thuốc lá để mời bác sĩ, khi bị từ chối liền nghĩ rằng bác sĩ đòi hỏi những quà cáp cao giá hơn. Ông Thắng cũng cho biết, với lượng công việc hiện nay, các nhân viên y tế đã làm việc quá tải, rất ít có thời gian để tư vấn kỹ cho bệnh nhân về tác hại thuốc lá.
Bà Phạm Hoàng Anh, Phó giám đốc VINACOSH, cho rằng, việc triển khai cơ sở y tế không thuốc lá phải được thực hiện từng bước. Chẳng hạn, ban đầu chỉ cần quy định những khu vực cấm thuốc lá, tiến tới cấm hút thuốc trong các toà nhà và dần dần loại trừ hoàn toàn thuốc lá khỏi khu vực bệnh viện. Theo bà Oanh, để đạt mục tiêu này sẽ phải mất nhiều năm.
"Điều quan trọng là phải có cơ chế thưởng phạt thật nghiêm túc và cán bộ y tế phải gương mẫu. Bệnh nhân rất tin tưởng ở y bác sĩ nên nếu như thấy bác sĩ cũng sử dụng thuốc lá, họ sẽ thấy không có lý do gì để từ bỏ loại sản phẩm độc hại này" - ông Nguyễn Ngọc Khang nói.
Thanh Nhàn
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Hút thuốc làm giảm IQ (09/12/2004)
▪ Dân số Việt Nam sẽ vượt 82 triệu vào cuối năm nay (09/12/2004)
▪ Thuốc và bệnh trứng cá (09/12/2004)
▪ Phòng và điều trị bệnh sởi (09/12/2004)
▪ Hẹp eo động mạch chủ, dị tật tim dễ bị bỏ qua (09/12/2004)
▪ Phòng và điều trị bệnh sởi (09/12/2004)
▪ Dùng máy tính xách tay nhiều giảm khả năng sinh con (09/12/2004)