Thuốc và bệnh trứng cá
Các Website khác - 09/12/2004
Trứng cá là một bệnh của nang lông - tuyến bã nhờn. Dưới đây là hướng dẫn dùng thuốc và xử trí khi gặp một số biến chứng như trứng cá đỏ và trứng cá sâu.
Bệnh có đặc trưng là sự tăng sinh bã nhờn, keratin hóa nang, viêm khu trú và nhiễm khuẩn Propiono bacterium acnes. Ban đầu là tạo nhân trứng cá trong nang lông, nếu nhân hở thì đầu đen, nếu nhân kín thì đầu trắng. Nhân kín có thể gây viêm, tạo nốt sần, nốt có mủ hay thành cục nhỏ.

Trứng cá nhẹ có đầu đen, đầu trắng kèm nốt sần và nốt có mủ. Trứng cá vừa thì có nốt sần, nhiều nốt có mủ và tạo sẹo nhỏ. Trứng cá nặng thì có các cục nhỏ viêm, nốt sần, nhiều nốt có mủ và gây sẹo lớn (sau khi nang mủ vỡ thành áp-xe chảy dịch).

Trứng cá thường ở mặt, cổ, ngực, vai và lưng. Bệnh rộ vào mùa đông, bớt vào mùa hè.

Dạng trứng cá thông thường acne vulgaris gặp ở tuổi thiếu niên, thanh niên. Đến khoảng 25 tuổi trở lên tự hết, nhưng một số ít còn mắc ở tuổi 30-40. Trứng cá muộn gặp ở người trung niên, người già. Trứng cá trẻ em gặp ở trẻ nhỏ.

Trứng cá đỏ là một bệnh viêm mạn tính, thường thấy ở mặt. Biểu hiện qua các giai đoạn: đỏ da, ban đỏ dai dẳng, giãn mao mạch rồi đến nốt sần, sần mủ. Bệnh gây phì đại mô ở giữa mặt, gây mũi to và biến dạng (mũi sư tử, chưa rõ nguyên nhân).

Việc dùng thuốc điều trị trứng cá là nhằm làm giảm các quần thể vi khuẩn trong nang lông, giảm sinh bã nhờn, giảm viêm, loại bỏ keratin che lấp nang. Đáp ứng với thuốc thường chậm và phải dùng lâu dài.

1. Với trứng cá nhẹ: Benzoyl peroxid là thuốc đầu tiên cần dùng và là thuốc phổ biến nhất. Thuốc dùng dưới dạng gel bôi ngoài 2,5-5-10%. Là một thuốc chống ôxy hóa, có tính kháng khuẩn, tiêu lớp mỡ dưới da do giải phóng ôxy và acid benzoic. Dùng cho mọi giai đoạn, mọi chỗ trứng cá. Sau khi rửa sạch, bôi thuốc lên tổn thương 1 lần/ngày. Nếu tổn thương chưa đáp ứng thì bôi 2 lần/ngày. Dùng duy trì thì 2-3 ngày bôi 1 lần.

Không để dây thuốc vào mắt, niêm mạc, vết thương. Nên bôi về tối để tránh ánh sáng. Nếu có phản ứng da như nóng bỏng, đỏ da thì ngừng thuốc.

Acid azelaic, lưu huỳnh - resorcinol bôi, có thể dùng thay thế benzoyl peroxid.

Các thuốc có chứa sulfid, acid salicylic cũng được dùng, tuy có người cho là thuốc cổ điển.

Không nên dùng các thuốc bào mòn da vì hiệu quả hạn chế. Các thuốc tẩy nhờn cũng cần được xem xét. Không dùng các thuốc corticoid bôi ngoài.

Dùng thuốc trên nếu không hiệu quả thì cần dùng thuốc kháng khuẩn bôi ngoài. Đó là các dung dịch, kem, mỡ tetracyclin, clindamycin, erythromycin, minocyclin. Tuy nhiên rất dễ kháng thuốc, vì vậy nên kết hợp với benzoyl peroxid. Những thuốc kháng sinh bôi ngoài không được dùng liên tục quá 10 tuần lễ, nếu có dùng nhắc lại cũng chỉ dùng vài tuần lễ và cũng không dùng kháng sinh bôi ngoài đồng thời với kháng sinh uống.

Nếu liệu pháp trên ít hoặc không đáp ứng thì dùng isotretinoin, tretinoin. Tazaroten là một retinoid mới, với biệt dược tazorac, zorac, thuốc làm bong lớp sừng da. Nhiều bác sĩ da liễu cho là liệu pháp retinoid bôi ngoài là liệu pháp chính cho bệnh trứng cá nhẹ và vừa có nhân, nếu kết hợp với thuốc kháng khuẩn bôi ngoài lại càng có ích, hoặc có thể dùng xen kẽ với benzoyl peroxid cũng tốt.

Rửa sạch thương tổn, bôi thuốc 1-2 lần/ngày, trong 6 tuần. Nếu trứng cá mạn thì phải bôi thuốc nhiều tháng. Nên bôi thuốc thử ở một diện hẹp xem dung nạp. Bôi thuốc về đêm để tránh ánh sáng. Không bôi thuốc vào niêm mạc, mắt, miệng, lỗ mũi, lỗ tai và vết thương. Không dùng thuốc cho người mang thai 3 tháng đầu thai kỳ. Không dùng cùng lúc với tetracyclin, rượu và dầu.

Nếu thật cần thiết dùng isotretinoin uống (là đồng phân của tretinoin) nhưng phải được chỉ định cẩn thận vì thuốc có nhiều tác dụng phụ: gây quái thai, khô kết mạc niêm mạc, nứt môi, đau cơ - xương...

Ngoài ra người ta còn dùng adapalen (dẫn chất của acid naphtoic), nicotinamid bôi ngoài.

2. Trứng cá vừa: Thuốc kháng khuẩn uống được lựa chọn đầu tiên và tốt nhất. Đó là tetracyclin, doxycyclin, oxytetracyclin, erythromycin, Co-trimoxazol. Minocyclin cũng được dùng nhưng dễ làm sẫm màu da. Thuốc phải dùng 3-4 tháng mới có đáp ứng, có trường hợp phải dùng tới 2-3 năm, và khi đó vấn đề kháng thuốc cần được tính đến. Liều lượng: tetracyclin 0,250g x 4 lần/ngày. Mynocyclin 100mg x 2 lần/ngày. Nếu cần dùng isotretinoin uống 1-1,5mg/kg/ngày, trong vài tháng (lưu ý tác dụng phụ).

3. Trứng cá nặng (sâu): Thường dùng isotritenoin uống hoặc thuốc kháng khuẩn liều cao (thực tế khó chấp nhận) và kết hợp với dùng thuốc bôi ngoài.

Trứng cá cứng: Có thể tiêm triamcinolon vào nang có tác dụng. Corticoid có fluor làm bệnh nặng thêm.

Với phụ nữ rối loạn nội tiết, trứng cá liên quan đến kinh nguyệt thì có thể thử dùng bằng cách uống thuốc tránh thai gồm một chất kháng androgen là cyprosteron kết hợp với ethinyloestradiol hoặc một thuốc tránh thai hỗn hợp (không androgen). Nếu chống chỉ định dùng estrogen có thể dùng spironolacton dựa vào tính kháng androgen của nó.

4. Trứng cá đỏ: Giai đoạn viêm (sần, sưng, mủ) thì ưu tiên dùng tetracyclin, erythromycin, metrodinazol uống dài hạn. Nếu không đáp ứng thì dùng isotretinoin. Cần kết hợp dùng với thuốc kháng khuẩn, metronidazol, clindamycin bôi ngoài. Tuy nhiên, ban đỏ và giãn mao mạch vẫn tồn tại.

Không được dùng corticoid bôi ngoài vì làm bệnh nặng thêm (đặc biệt lại có fluor).

Biến dạng mũi được giải quyết bằng phẫu thuật.

Dược sĩ Phạm Thiệp
Theo Theo Sức khỏe và đời sống