Khoai tây chiên không gây ung thư vú
Các Website khác - 16/03/2005
Khoai tây rán có nhiều chất acrylamide.

Acrylamide, một hóa chất có trong các đồ ăn rán và nướng, không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Phát hiện mới đi ngược lại nhận định trước đây.

Acrylamide có nhiều trong các loại thực phẩm như khoai tây rán, bánh mỳ nướng giòn và cà phê. Chất này được sinh ra khi các axit amino và đường trong thực phẩm phản ứng với nhau ở nhiệt độ cao. Acrylamide lần đầu tiên được phát hiện phổ biến trong thức ăn vào năm 2002. Theo kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), acrylamide là một chất gây ung thư. Những con chuột tiếp xúc với acrylamide đã phát triển những khối u lớn ở tuyến vú. Tuy nhiên, sự tiếp xúc này lớn gấp 1.000 đến 100.000 lần so với mức độ hấp thu của con người qua thực phẩm.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard (Mỹ) và Viện Karolinska (Thụy Điển) đã nghiên cứu khoảng 43.000 phụ nữ và khẳng định, nguy cơ mắc ung thư vú ở những người ăn nhiều thực phẩm giàu acrylamide không cao.

Nghiên cứu bắt đầu vào năm 1991, khi các tình nguyên viên được hỏi về chế độ dinh dưỡng và mức tiêu thụ đồ ăn chứa acrylamide. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về thành phần của những loại thực phẩm này để đánh giá chính xác lượng acrylamide.

Theo tính toán, mỗi ngày, lượng acrylamide hấp thụ trung bình là 25,9 microgram, trong đó cà phê góp 54%, khoai tây rán 12% và bánh mỳ nướng giòn 9%.

Sau 11 năm, 667 người đã bị ung thư vú. Điểm gây chú ý là ở những phụ nữ hấp thu ít acrylamide nhất, nguy cơ phát triển bệnh không cao hơn so với những người tiếp xúc nhiều. Nguy cơ này cũng không tăng ở những trường hợp tiếp xúc nhiều acrylamide.

"Lượng acrylamide trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày không đe dọa gây nên căn bệnh ung thư vú", trưởng nhóm nghiên cứu Lorelei Mucci thuộc Đại học Harvard nhận định. Tuy nhiên, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ung thư vẫn là một chế độ dinh dưỡng cân bằng, ít chất béo và thịt đỏ, nhiều rau quả và chất xơ.

Mỹ Linh (theo BBC)