Làm sao để giảm béo?
Các Website khác - 18/11/2004

"Tôi cao 1,51 m, nặng 68 kg. Từ mấy năm nay, tôi đã dùng một số thuốc, trà giảm béo... nhưng hầu như không suy chuyển, vẫn thèm ăn. Nghe nói những người nặng ký như tôi thì phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật mới giải quyết được. Xin cho tôi lời khuyên".

Trả lời:

Trong điều trị bệnh béo phì, việc dùng thuốc hoặc phẫu thuật chỉ đặt ra trong một số trường hợp và phải tuân theo chỉ định cụ thể của bác sĩ. Hiện mới chỉ có hai thứ thuốc là Ơrlistat và Sibutramin được công nhận.

Orlistat là chất ức chế men lipase. Tại ruột, orlistat gắn với men lipase của dịch tụy, làm cho quá tình thủy phân chất béo trong thức ăn bị ngăn cản. Chất béo không được thủy phân sẽ bị bài xuất theo phân, nhờ đó làm giảm được lượng calo do chất béo cung cấp cho cơ thể, kết quả là làm giảm cân.

Sibutramin làm tăng cảm giác chán ăn, tăng tỷ lệ chuyển hóa, tăng tiêu thụ năng lượng cũng dẫn đến giảm cân. Các thuốc trên được xem là phương tiện trợ giúp cho các biện pháp khác, và thường chỉ dùng cho những người trưởng thành có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 27 trở lên với người Âu-Mỹ, từ 25 trở lên với người châu Á có kèm thêm các nhân tố nguy cơ khác, hoặc cho những người có BMI từ 30 trở lên. Không dùng những thuốc này cho trẻ em và vị thành niên béo phì, nhất là với trẻ dưới 18 tuổi vì tính an toàn và hiệu quả của thuốc đối với đối tượng này chưa được xác định.

Còn phẫu thuật đối với người béo phì (như làm cầu nối dạ dày, tạo hình thắt dạ dày thẳng đứng, thắt dạ dày...) là nhằm làm giảm tiêu thụ thức ăn do đó làm giảm cân, chỉ đặt ra khi các biện pháp điều trị khác thất bại, những người có BMI từ 40 trở lên hoặc trên 35 nhưng có kèm những nhân tố nguy cơ khác.

Hiện tại, chỉ số khối cơ thể của bạn còn dưới 30, chưa có vấn đề gì về sức khỏe, bạn nên kiên trì áp dụng các biện pháp: hạn chế calo trong khẩu phần, luyện tập thể lực phù hợp và hành vi trị liệu để làm giảm cân. Bạn cũng nên đi khám bệnh. Kết quả thăm khám và các xét nghiệm sẽ là căn cứ khoa học để bác sĩ quyết định việc bạn có phải dùng thuốc hay không.

(Sức Khỏe & Đời Sống)