Miễn viện phí trẻ dưới 6 tuổi: Bệnh viện kêu khổ
Các Website khác - 05/01/2005
Điều trị nội trú ở BV Nhi TW.
Ảnh: Anh Tuấn

Do không có nguồn thu, khoa nhi ở các bệnh viện đa khoa đang trở thành "kẻ ăn bám". Còn các bệnh viện chuyên về nhi, miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi đồng nghĩa với việc mất đi hầu hết nguồn thu, trong khi ngân sách nhà nước cấp chỉ đáp ứng một phần nhỏ kinh phí hoạt động.

Mặc dù Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có hiệu lực được mấy ngày nhưng Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn nào từ cấp trên. Tuy vậy, cơ sở này đã miễn tiền khám cho trẻ dưới 6 tuổi đến đúng tuyến, còn tiền thuốc thang điều trị thì gia đình vẫn phải trả. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện cho biết là chưa thể miễn nhiều hơn vì chưa tìm đâu ra nguồn tài chính cho việc này. Trước đây, bệnh viện vẫn miễn viện phí cho nhiều trường hợp, riêng số tiền miễn cho trẻ dưới 6 tuổi năm 2004 là hơn 4 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ nguồn viện phí thu của những bệnh nhân vượt tuyến hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Ông Liêm cho biết, viện phí là chỗ dựa chính của bệnh viện để có thể duy trì hoạt động. Năm 2004, số tiền nhà nước cấp cho các hoạt động chuyên môn (mua thuốc, dịch truyền...) là 3 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 20% yêu cầu, số còn lại phải trông vào viện phí. Nếu miễn viện phí cho tất cả trẻ dưới 6 tuổi (80% bệnh nhân ở đây thuộc đối tượng này), Nhi Trung ương sẽ mất hầu hết nguồn thu và không thể duy trì hoạt động, chưa nói đến việc nâng cao kỹ thuật.

Còn ở Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, việc miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn được thực hiện từ lâu. Do nhà nước chưa dành khoản nào cho việc này nên bệnh viện vẫn phải lấy từ viện phí thu được ở các đối tượng khác. "Người ta cứ hô hào là miễn viện phí cho trẻ em, nhưng bao nhiêu cuộc họp bàn nát nước vẫn không trả lời được câu hỏi: số tiền miễn viện phí ấy sẽ lấy ở đâu ra. Thế nên chúng tôi cứ phải cấu véo từ các nguồn kinh phí khác" - ông Nguyễn Đình Trân, Phó Giám đốc bệnh viện bức xúc.

Ông Trân hy vọng nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ra đời sẽ tạo ra một cơ chế để trẻ được chăm sóc tốt mà bệnh viện cũng không quá khó khăn. Ông Trân nói: "Mua thẻ Bảo hiểm y tế cũng tốt, nhưng nếu làm theo kiểu thực thanh thực chi (chi phí khám chữa bệnh thực tế là bao nhiêu thì được thanh toán bấy nhiêu) sẽ tốt hơn vì không bị khống chế bởi giá trần".

Hầu hết các lãnh đạo bệnh viện đều cho rằng việc miễn viện phí cho trẻ trong khi chưa tìm ra một cơ chế tài chính thích hợp, để mặc các cơ sở tự xoay xở đã làm khó cho bệnh viện và gây thiệt thòi cho chính trẻ em. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe giữa trẻ em và người lớn. Các cơ sở y tế cho người lớn có thu nên có đầu tư phát triển kỹ thuật cao. Còn nhi khoa không có thu, nhất là các đơn vị nằm trong bệnh viện đa khoa đã trở thành 'kẻ ăn bám', thường được ghép với các khoa khác như nội, lây. Chẳng bệnh viện nào dám bỏ tiền đầu tư vào một nơi không sinh lợi. Một cái máy chụp cộng hưởng từ giá vài tỷ đồng, nếu không thu phí thì tiền đâu mà mua? Còn những thuốc đặc trị đắt tiền, bác sĩ liệu có dám kê đơn không nếu không có ai chi trả? Vì vậy nên khoa nhi luôn lạc hậu, thiếu thốn. Số giường bệnh cho trẻ lẽ ra phải chiếm 20% thì nay chỉ còn 13%.

Không có thu, đời sống của nhân viên y tế khoa nhi, nhất là ở các bệnh viện tuyến dưới, trở nên khó khăn. Nhiều người trong số họ bỏ nghề. Những năm gần đây, sinh viên đăng ký thi vào nhi khoa ở Đại học Y Hà Nội ngày càng ít, có khóa tuyển 20 người thì chỉ 2 người ghi danh. Vì vậy mà trường đã phải bỏ chuyên khoa này trong năm học 2004. Và hậu quả của việc thiếu bác sĩ giỏi cho nhi khoa, cũng chính trẻ em là người lãnh đủ.

Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này, theo ông Liêm, là nhà nước bỏ tiền ra mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ. "Nên mua ngay khi trẻ vừa ra đời để đảm bảo quyền lợi cho những cháu có bệnh bẩm sinh. Giả sử phí bảo hiểm là 70.000 đồng/năm thì nhà nước cũng chỉ phải chi cho mỗi cháu khoảng 400.000 đồng" - ông Liêm nói.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo bệnh viện khác lại tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của phương thức mua bảo hiểm y tế. Nếu danh mục và mức giá chi trả vẫn ở mức thấp như hiện nay thì việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em vẫn chỉ là hữu danh vô thực. Gia đình bệnh nhân vẫn phải trả tiền cho các dịch vụ điều trị cao cấp. Tại Viện bỏng quốc gia, nơi có hơn một nửa bệnh nhân là trẻ em, chi phí điều trị rất cao và việc chi trả của bảo hiểm chỉ như "muỗi đốt gỗ". Ông Phạm Văn Gia, Viện Phó cho biết, loại thuốc dùng bắt buộc trong điều trị bỏng nặng là Albumin giá 650.000 đồng/lọ. Các loại kháng sinh rẻ nhất như Vancomycin cũng 82.000 đồng/lọ; có cháu phải dùng 3 lọ/ngày. Nhưng những thuốc này, bảo hiểm chưa thanh toán.

Theo ông Gia, nếu miễn viện phí cho trẻ em, nên làm theo kiểu thực thanh thực chi. Đây cũng là cách mà các nhà quản lý đang hướng tới. Trong năm nay, Nhà nước dự kiến sẽ chi khoảng 600 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, việc chi như thế nào cho đúng người đúng bệnh, làm sao để trẻ được chăm sóc tốt mà không bội chi, lại khống chế được hiện tượng quá tải ở tuyến trên... vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý. Chính vì vậy mà nghị định hướng dẫn việc miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa được ban hành. Và trong thời gian này, bệnh viện nào có khả năng thì miễn tiền khám một số trẻ khám đúng tuyến, các bệnh viện khác vẫn thu. Luật Bảo vệ Chăm sóc và giáo dục trẻ em tuy đã có hiệu lực nhưng cũng chỉ là hiệu lực trên giấy tờ.

Thanh Nhàn