![]() |
Bảo quản tế bào gốc trong phòng lạnh. |
Lần đầu tiên các nhà khoa học đã phục hồi khả năng đi lại cho một người bị bại liệt trong 20 năm. Điều kỳ diệu xảy ra sau khi họ dùng tế bào gốc lấy từ máu dây rốn để phục hồi dây thần kinh cột sống bị tổn thương của nạn nhân.
Hwang Mi-Soon, 37 tuổi, bị liệt sau một vụ tai nạn 20 năm trước đây.
Tuần trước, Hwang đã đứng dậy và đi được vài bước với sự trợ giúp của một khung đỡ trước ống kính của báo giới trong một cuộc họp báo. Mục đích của buổi họp báo này là công bố thành công của việc điều trị bại liệt bằng liệu pháp tế bào gốc. Đây là trường hợp chữa khỏi bệnh liệt do chấn thương bằng tế bào gốc đầu tiên trên thế giới. Các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu tại Đại học Chosun (Hàn Quốc) cho rằng thành công của họ sẽ mở đường cho việc điều trị bại liệt do tổn thương dây thần kinh cột sống trong tương lai.
Các nhà khoa học tại Đại học Chosun đã tách tế bào gốc từ máu dây rốn ngay sau khi thai nhi chào đời. Số tế bào gốc này được bảo quản trong phòng lạnh và được nuôi trong một thời gian. Sau đó, chúng được tiêm vào bộ phận bị tổn thương trên dây thần kinh cột sống của Hwang Mi-Soon. Sau một thời gian, điều kỳ diệu đã xảy ra. Người phụ nữ này đã hồi phục khả năng đi lại nhanh đến không ngờ.
"Tách tế bào gốc từ máu dây rốn đã được làm đông lạnh, tìm ra tế bào có gene tương hợp với người nhận và tìm ra vị trí phù hợp trên cơ thể để tiêm tế bào gốc là những công đoạn kỹ thuật khó nhất", Han Soon, Chủ tịch một ngân hàng máu dây rốn, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nhiều công trình trước đây đã chứng minh tế bào gốc có thể thay thế cho tế bào khác nhau tại các vùng hoặc các bộ phận bị tổn thương của cơ thể. Khai thác tiềm năng này sẽ giúp cho các bác sĩ điều trị được những căn bệnh hiện nay được coi là không thể chữa trị. Thậm chí, tế bào gốc còn có thể giúp cơ thể thay thế các bộ phận bị tổn thương hoặc huỷ hoại.
Tế bào gốc trong dây rốn - nối nhau thai với cơ thể mẹ - từ lâu đã được các nhà khoa học coi là loại tế bào "đa năng". Chúng có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau với số lượng không hạn chế. Đây là đặc tính vượt trội so với tế bào gốc lấy từ chính bào thai, nguồn cung cấp tế bào gốc phục vụ nghiên cứu chủ yếu trong những năm gần đây. Ngoài ra, tế bào gốc lấy từ bào thai thường tạo thành khối u khi được tiêm vào cơ thể người hay động vật. Tế bào gốc trong máu dây rốn chẳng những không gây ra tác dụng phụ này mà còn không tấn công hệ miễn dịch của cơ thể người nhận.
Theo Song Chang-Hoon, một thành viên của nhóm nghiên cứu, thì điều quan trọng là việc sử dụng máu dây rốn sẽ không gặp phải sự phản đối từ công chúng như khi sử dụng bào thai. Từ nhiều năm nay, việc sử dụng bào thai vào các mục đích nghiên cứu luôn luôn vấp phải sự phản đối do dư luận cho rằng điều này là vi phạm đạo đức.
Việt Linh (theo AFP)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Đi làm khi bị ốm dễ bị bệnh tim (30/11/2004)
▪ Vì sao các cô lo lắng nhiều sẽ sớm già trước tuổi? (30/11/2004)
▪ Hãy học cách tôn trọng nhịp sinh học của bạn (30/11/2004)
▪ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thêm 3 ca ghép thận (30/11/2004)
▪ Nga: Hàng trăm trẻ em ngộ độc thực phẩm (30/11/2004)
▪ Vịt có thể là thủ phạm gây dịch cúm gia cầm (30/11/2004)
▪ Lần đầu tiên cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản tại nhà (30/11/2004)