![]() |
Thuốc nội cũng được sản xuất theo quy trình hiện đại. |
Lãnh đạo nhiều công ty dược trong nước cho rằng nên để các bác sĩ đi thăm cơ sở sản xuất thuốc để biết ngành này đã phát triển như thế nào. Theo họ, phía bệnh viện đã nói oan cho ngành dược khi cho rằng thiết bị làm ra thuốc nội còn lạc hậu và coi đó là lý do bác sĩ hay dùng hàng ngoại khi kê đơn.
Lãnh đạo các nhà máy dược Việt Nam không đồng tình trước việc nhiều bác sĩ cho rằng thuốc sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu của bệnh viện và người dân. Tuy một số thuốc đặc biệt trong nước chưa sản xuất được hoặc có mà không bằng nhưng thuốc nội đã đáp ứng được một lượng rất lớn cho điều trị.
Dược sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm và sinh học y tế TP HCM (Mebiphar), khẳng định, trong những năm gần đây, công nghiệp dược trong nước đã phát triển vượt bậc cả về quy mô đầu tư lẫn số mặt hàng. Phần lớn các nhà máy đạt chuẩn GMP ASEAN và đang tiến đến GMP WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc của thế giới). Các bác sĩ cần ghi nhận sự "thay da đổi thịt" này để mạnh dạn kê toa, nhằm làm giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh và thúc đẩy sự phát triển ngành dược trong nước.
Dược sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phòng Kinh doanh tiếp thị, Công ty dược Nadyphar, cho biết, phần lớn thuốc sản xuất trong nước vào được bệnh viện là các sản phẩm thông thường như thuốc bổ, giảm đau... Một số thuốc kháng sinh và đặc trị của Nadyphar tuy được sản xuất bằng nguyên liệu nhập ngoại, giá thành chỉ bằng 1/3 thuốc ngoại nhưng vẫn ít được bệnh viện sử dụng.Theo ông Sơn, các đơn vị sản xuất thuốc trong nước đã nỗ lực đầu tư rất nhiều không chỉ về chất lượng mà cả mẫu mã, bao bì... Sự thay đổi đó đã được một số bệnh viện, bác sĩ ghi nhận; nhưng vẫn còn nhiều lý do "tế nhị" khác khiến thuốc nội không được phía bệnh viện ưu ái.
Nhiều mặt hàng thuốc nội tuy vào được bệnh viện nhưng phải qua các công ty trung gian. Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Việt thuộc Công ty Dược phẩm Shinpoong Daewoo Việt Nam cho biết, sản phẩm của công ty đã phân phối vào 60 bệnh viện trên cả nước, song cũng phải qua một công ty trung gian. Tương tự, Giám đốc Mebiphar, dược sĩ Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, hàng của Mebiphar bán vào các bệnh viện cũng phải thông qua một công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo bà Việt, mặc dù Bộ Y tế cầu bệnh viện tăng cường sử dụng thuốc nội, nhưng các cơ sở ít "để ý" yêu cầu này.
Một trong những lý do mà các bác sĩ nêu ra để giải thích cho sự ghẻ lạnh với thuốc nội là dụng cụ, trang thiết bị làm ra viên thuốc trong nước còn lạc hậu. Chính vì thế mà mới đây, tại buổi làm việc với khối sản xuất và khối điều trị, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đã đề nghị các công ty, xí nghiệp dược trong nước tổ chức bác sĩ đến tham quan nhà máy của mình. Lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các bác sĩ xóa bỏ quan niệm "tiền nào của nấy" trong việc kê đơn, bởi hiện nay nhiều loại thuốc nội có chất lượng tương đương thuốc ngoại nhưng giá thành rẻ hơn nhiều lần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng trong một chuyến công tác đến Xí nghiệp Dược phẩm Mekophar cũng rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của đơn vị này. Ông Trọng nhìn nhận thiếu sót là lâu nay Bộ Y tế không tổ chức được những buổi gặp nhau giữa khối điều trị và khối sản xuất nhằm giúp các bác sĩ thấy được sự phát triển của ngành dược mà tăng cường sử dụng thuốc nội.
(Theo Thanh Niên)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Sóc Trăng: nhiều mẫu huyết thanh dương tính virus H5 trên đàn vịt đẻ (16/12/2004)
▪ Vụ “mổ nhầm” tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội: Thai nhi vẫn an toàn (16/12/2004)
▪ Hà Nội: lần đầu tiên điều tra sức khỏe sinh sản bằng máy tính (16/12/2004)
▪ Nhà thuốc sẽ tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản (16/12/2004)
▪ Selenium có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột (15/12/2004)
▪ Kê toa điều trị bệnh: Tại sao bác sĩ Việt Nam chê thuốc nội? (16/12/2004)
▪ Áp lực công việc hại tim (15/12/2004)