Người trẻ cũng bị sa sút trí tuệ
Các Website khác - 24/12/2004

Không phải chỉ người già mới bị suy giảm trí nhớ mà hiện nay, ngay cả những người còn khá trẻ (35 tuổi trở lên) cũng mắc bệnh "quên". Căn bệnh này ngày càng tăng trong xã hội hiện đại. Những người bệnh nặng có thể mất hoàn toàn trí nhớ và nhiều phản xạ khác.

Điểm đặc trưng của bệnh là sự suy giảm nhận thức xảy ra trong tình trạng ý thức vẫn bình thường. Khi bị sa sút trí tuện hoàn toàn, người bệnh có thể tử vong chỉ vì một căn bệnh nhiễm trùng thông thường.

Mới hoạt động gần 3 tháng nhưng phòng khám chuyên khoa về sa sút trí tuệ của Bệnh viện Nguyễn Trãi TP HCM đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp suy giảm trí nhớ từ 35 đến 60 tuổi. Riêng chiều 8/12, gần 20 người mắc chứng này đến khám, phần lớn là phụ nữ. Chị Thanh Hà 43 tuổi kể: ''Tôi là giám đốc một doanh nghiệp, tính tình quyết đoán nhưng cư xử với nhân viên rất điềm đạm. Gần đây, mọi người trong công ty thường than phiền rằng tôi đã trở thành một người khác, liên tục thay đổi ý kiến khiến công việc rối tung. Bản thân tôi cũng thấy bất thường: khó ngủ, hay quên và rất dễ cáu gắt, nóng giận. Cho là bị stress vì áp lực của công việc, tôi đã dành thời gian tập luyện thể dục, thư giãn... nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện''.

Chị Huỳnh Kim Anh, 51 tuổi, Việt kiều Pháp, cũng ở tình trạng đó: ''Tôi thậm chí còn quên cả những câu mình vừa nói, lặp đi lặp lại câu này nhiều lần trong vài phút mà không biết mình nói gì. Đôi khi muốn nói về cái cà-vạt, tôi nghĩ mãi không ra và phải tìm từ khác để mô tả, chẳng hạn nói là một vật quấn quanh cổ áo. Hay quên nên tôi rất khó khăn trong công việc hằng ngày: lái xe, giữ tiền, nấu ăn... Nhờ được điều trị, trí nhớ của tôi đã khá lên rất nhiều''.

Thạc sĩ Phan Hữu Phước, Trưởng khoa Lão Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, thường khi tình trạng quên đã kéo dài, người bệnh mới tìm đến. Lúc đó, bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sống hằng ngày.

Giai đoạn sớm của sa sút trí tuệ là làm giảm trí nhớ gần. Người bệnh quên' những chuyện vừa mới xảy ra nhưng lại nhớ rất tốt những chuyện đã lâu. Mọi hoạt động xã hội chưa bị ảnh hưởng nhiều nên họ không nghĩ là mình có bệnh. Chính mọi người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân nhận ra những thay đổi về tính tình và những rối loạn cảm xúc, hành vi nơi họ.

Sự ổn định trí tuệ của người sa sút trí tuệ khá mỏng manh. Trong những tình huống khó khăn hay bức xúc, nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh sẽ nặng dần lên và chuyển sang giai đoạn giữa. Lúc đó, người bệnh giảm khả năng thực hiện những công việc hằng ngày, như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân. Họ cũng không thể nhớ được những thông tin mới và mất khả năng định hướng về không gian, thời gian, làm giảm sự phán đoán và làm tăng nguy cơ té ngã. Sang giai đoạn này, những rối loạn hành vi trước đó vẫn kéo dài nên đã tạo ra chứng hoang tưởng và xuất hiện ảo giác (khoảng 25%), làm cho người bệnh mất dần khả năng nhận thức.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ hoàn toàn bị mất trí nhớ, mất khả năng vận động và những phản xạ khác như không nuốt thức ăn được, không đi đứng vận động được, phát sinh các biến chứng: mất nước, kém dinh dưỡng, viêm phổi hít, loét da... Cuối cùng, họ sẽ tử vong vì những bệnh nhiễm trùng.

Các bác sĩ khuyên nên kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình để có thể phát hiện sớm sa sút trí tuệ. Bệnh có thể chữa khỏi sau một thời gian dùng thuốc. Thời gian điều trị khá dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của bệnh nhân.

(Theo Phụ Nữ TP HCM)