![]() |
Ở nông thôn, những chỗ như thế này có thể là nhà xí. |
Từ lâu, người ta thường né tránh nói về chủ đề vệ sinh có liên quan đến nhà xí vì cho rằng đó là nơi đáng kinh tởm. Nhưng chính sự im lặng đó đã khiến cho loài người phải trả giá, các chuyên gia vệ sinh dịch tễ cảnh báo trong một hội nghị bàn về vấn đề này.
Khoảng 400 đoàn đại biểu, bao gồm các nhà quy hoạch đô thị, các chuyên gia dịch tễ và môi trường cũng như các nhà thiết kế toilet trên toàn thế giới đã nhóm họp tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị khá đặc biệt này.
"Cái giá phải trả cho việc không bàn về vấn đề này là ở nhiều nơi, người ta phải chịu đựng những toilet hôi thối, bẩn thỉu, không đúng chức năng. Thậm chí rất nhiều người không thể có được cái nơi tối thiểu đó", Jack Sim, người sáng lập ra Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới có trụ sở tại Singapore, nhận định.
Các chuyên gia cho rằng toilet nói riêng và điều kiện vệ sinh nói chung là những vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển của một dân tộc. Trong nhiều trường hợp, chúng còn quan trọng hơn cả vấn đề phát triển kinh tế.
"Phát triển không chỉ giới hạn ở việc có thêm nhiều nhà cao tầng, nhiều máy bay, nhiều xe hơi. Phát triển còn có nghĩa là ngày càng có nhiều người được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản để cải thiện chất lượng cuộc sống", S.P. Srivastava, nhà khoa học xã hội tại Đại học Lucknow, Ấn Độ, tuyên bố.
Theo thống kê của Salabh International, một tổ chức phi chính phủ chuyên tài trợ cho các chương trình dịch tễ, thì ngay tại Ấn Độ có tới 700 triệu người dân không có nhà xí. Tình trạng này dẫn đến việc họ phải "loại bỏ" cặn bã trong cơ thể bừa bãi ngoài trời, một điều kiện thuận lợi cho bệnh tật lây lan. Phụ nữ phải hứng chịu nhiều bất tiện hơn khi không có nhà cầu, vì họ phải "đi" vào lúc trước hoặc sau khi mặt trời lặn.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, có tới 2,4 tỷ người trên toàn thế giới không có nhà tiêu. Chính vì thế nguồn gây ô nhiễm nước chủ yếu ở các nước đang phát triển là phân người. Tình trạng này tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng và virus thâm nhập vào nước uống và gây bệnh. Ở các con sông lớn tại châu Á, lượng vi khuẩn nguy hiểm có nguồn gốc từ phân người cao gấp 50 lần mức cho phép của WHO. Do thiếu nhà xí sạch sẽ, trẻ em tại các vùng nông thôn ở các nước đang phát triển rất dễ bị mắc các bệnh đường tiêu hóa và truyền nhiễm.
Việt Linh (theo AFP)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Phát hiện kem bôi da Thanh Thảo giả (19/11/2004)
▪ Phương pháp mới trong việc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C (18/11/2004)
▪ Ô nhiễm môi trường có thể thúc đẩy quá trình xơ cứng động mạch nhanh hơn (18/11/2004)
▪ Mẹ uống rượu làm giảm IQ của con (18/11/2004)
▪ Cà phê gây xơ vữa động mạch (19/11/2004)
▪ Trị rôm để da không nhiễm trùng (19/11/2004)
▪ Khoảng một nửa dân số mắc bệnh trĩ (18/11/2004)