![]() |
Thu gom máu để dự trữ cho ca ghép gan. |
Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết định chọn cháu Hoàng Anh Tuấn, 14 tuổi làm bệnh nhân của ca ghép gan ngày 2/7 tới. Bệnh viện cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị khác như mua thuốc, dự trữ máu...
Cháu Hoàng Anh Tuấn sống ở đội 8, xã Hoàng Xá, thị xã Hòa Bình, bị xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối, hay nôn ra máu, nếu không được ghép gan sớm sẽ nhanh chóng tử vong. Cách đây 1 tháng, khi Tuấn mới vào viện với cái bụng khổng lồ đầy nước, các bác sĩ tưởng chừng cháu không sống nổi vì quá yếu. Cháu cũng nghĩ vậy nên đã viết di chúc xin được hiến tạng sau khi chết để cứu sống các bệnh nhân khác. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, sức khỏe của Tuấn khá lên, bụng bớt chướng, đã đủ sức chịu đựng ca mổ lớn. Vì vậy, các bác sĩ quyết định chọn cháu làm bệnh nhân thứ 2 được ghép gan ở Việt Nam. Người cho tạng sẽ là bố cháu, ông Hoàng Văn Thanh, 46 tuổi.
Sáng nay, những người đăng ký hiến máu để dự trữ cho ca đại phẫu này đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để lấy máu. Ghép gan là một phẫu thuật có thể gây chảy máu nặng do cơ quan này có nhiều mạch máu. Vì vậy, dự trữ máu cho cả người hiến và người nhận là một khâu chuẩn bị rất quan trọng. Ca mổ năm ngoái của cháu Nguyễn Thị Diệp chỉ tốn khoảng 1 lít máu, bằng một nửa so với mức dự kiến tối thiểu. Tuy nhiên, lượng máu cần cho một ca ghép tương tự có thể nhiều hơn mấy chục lần. Bác sĩ Đỗ Thị Minh Cầm, người phụ trách công tác dự trữ máu cho biết, trung bình mỗi ca ghép gan tốn khoảng 60-70 đơn vị máu, thậm chí đã có ca tốn đến 240 đơn vị, tức 60 lít.
Bà Cầm cũng cho biết, hiện số máu dự trữ cho ghép gan là 100 đơn vị, được Viện Huyết học truyền máu thu gom từ các sinh viên quân đội. Trong hôm nay và ngày mai, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức lấy máu từ danh sách hơn 140 người tình nguyện khác, chủ yếu là nhân viên bệnh viện. Viện Quân y 103 cũng đã hứa cung cấp lực lượng cho máu dự bị để có thể lấy ngay khi cần. Như vậy, ca đại phẫu sắp tới sẽ không lo thiếu máu.
10h sáng nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổng duyệt để kiểm tra lần cuối tất cả các khâu chuẩn bị cho ca ghép gan, từ phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức, thuốc, xét nghiệm đến chuẩn bị bệnh nhân. Tất cả đều đã sẵn sàng. Lô thuốc cuối cùng đặt mua từ Mỹ đã được chuyển về đến nơi. Ngày 1/7 sẽ hoàn tất việc chuyển máy móc, thiết bị vào phòng mổ, phòng hồi sức và tiệt trùng các phòng này.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc bệnh viện, sẽ có ít nhất 60-70 người tham gia phục vụ ca mổ. Ngoài sự hỗ trợ của các bác sĩ Viện 103, bệnh viện sẽ còn nhận được sự phối hợp của 9 chuyên gia Hàn Quốc, sẽ sang Việt Nam trong ngày mai. Dự kiến ca ghép gan sẽ diễn ra trong tối thiểu 10 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 8h sáng 2/7. Kinh phí tối thiểu là 700 triệu đồng.
Thanh Nhàn
▪ Thêm một bệnh nhân H5N1 tử vong (30/06/2005)
▪ 13 câu hỏi bệnh nhân cần đặt ra trước khi phẫu thuật (30/06/2005)
▪ Béo phì - trình trạng khẩn cấp mới về dinh dưỡng (30/06/2005)
▪ Căn bệnh dai dẳng viêm họng hạt (30/06/2005)
▪ Một người nữa chết vì H5N1 (30/06/2005)
▪ Hứa hẹn mới trong ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt (30/06/2005)
▪ Càng 'lắc' càng... tổn thọ (29/06/2005)
▪ Cứu sống một người dập nát nội tạng (29/06/2005)
▪ Khẳng định phóng xạ làm tăng nguy cơ ung thư (29/06/2005)
▪ Bài tập vận động toàn thân (29/06/2005)