Con mắc bệnh từ mẹ
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, vấn đề nhiễm khuẩn mẹ-con trở thành mối quan tâm của cả cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tại khoa sản và bệnh viện phụ sản trong cả nước, tỷ lệ nhiễm khuẩn mẹ-con chiếm từ 1-4/1000 trẻ sơ sinh sống. Riêng với trẻ đẻ non, tỷ lệ này cao hơn nhiều (13-17%o).
Hiện nay, nhờ kỹ thuật chẩn đoán cũng như việc dùng kháng sinh, tỷ lệ tử vong ở trường hợp xác định có nguy cơ giảm từ 50% (năm 1970) xuống còn 10-15% vào năm 1999.
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh có mẹ làm ruộng có nguy cơ nhiễm khuẩn mẹ-con cao hơn trẻ sơ sinh có mẹ làm các nghề khác. - Các yếu tố nguy cơ của nhiễm khuẩn sơ sinh từ phía mẹ là: Mẹ sốt cao trên 38độ C trước và trong khi chuyển dạ, thời gian vỡ ối hơn 12 tiếng, nhiễm khuẩn tiết niệu trong thời gian mang thai, nước ối xanh bẩn, đẻ có can thiệp. - Trẻ nhiễm khuẩn mẹ-con do vi khuẩn thường có nguy cơ ngạt sơ sinh, suy thai, thấp cân, khả năng miễn dịch kém.
| Trong nghiên cứu của các bác sĩ về tỷ lệ nhiễm khuẩn mẹ - con tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho thấy, tỷ lệ trẻ sơ sinh nam có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao hơn nữ giới, trẻ nông thôn bị nhiều hơn thành thị. Theo các bác sĩ thì nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên do kinh tế khó khăn nên nhiều phụ nữ ở nông thôn không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trình độ văn hóa thấp, điều kiện sống thấp lại thường xuyên phải lao động nặng nhọc nên đa phần phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai ở nông thôn và những vùng khó khăn không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mẹ và bé, vệ sinh kém… khiến nhiều chị em bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu trong thời kỳ mang thai, trẻ thấp cân do thiếu dinh dưỡng… làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh và tăng tỷ lệ tử vong chu sinh ở trẻ.
Bên cạnh đó, việc người mẹ bị sốt trước và trong quá trình chuyển dạ; thời gian vỡ ối kéo dài hơn 12 giờ; nước ối bẩn; đẻ can thiệp… cũng là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn.
Theo các chuyên gia sản khoa, có tới 2/3 các bà mẹ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu trong thời kỳ mang thai không có các triệu chứng lâm sàng nên rất khó phát hiện bệnh. Do vậy, để hạn chế nguy cơ trẻ nhiễm khuẩn sơ sinh các bà mẹ nên xét nghiệm nước tiểu định kỳ nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Còn với các trường hợp bị sốt trước và trong khi chuyển dạ cần được điều trị bằng kháng sinh để hạn chế nguy cơ mắc trực khuẩn gram âm từ mẹ sang con. Riêng với sản phụ có thời gian vỡ ối quá lâu nếu không can thiệp kịp thời dẫn đến nhiễm khuẩn ối tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ gây nhiễm khuẩn, nước ối bẩn cần được chỉ định dùng kháng sinh hoặc đẻ can thiệp nếu cần thiết.
Những ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ
Suy thai là nguy cơ cao thường gặp nhất của nhiễm khuẩn mẹ-con. Qua nghiên cứu các trường hợp nhiễm khuẩn mẹ-con tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, tỷ lệ suy thai chiếm tới 36,4% trong nhóm trẻ nhiễm khuẩn. Tiếp đó là tình trạng trẻ ngạt sau đẻ chiếm 28%. Trong quá trình ngạt trẻ thường bị thiếu ô-xy máu nghiêm trọng sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng sống của các hệ cơ quan. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi để vi khuẩn tấn công vào cơ thể trẻ. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp, đẻ non một phần do nhiễm khuẩn mẹ-con. Nguyên nhân chủ yếu do hiện tượng nhiễm khuẩn mẹ-con gây đẻ non, vỡ ối non gây chuyển dạ sớm khiến trẻ có cân nặng thấp, da mỏng và độ toan thấp nên ít có tác dụng kháng khuẩn làm cho trẻ dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất của các chuyên khoa sản khoa đối với các bà mẹ trong việc bảo vệ sức khỏe và bảo đảm sự phát triển của trẻ sau này là phải thường xuyên quan tâm đến sức khỏe, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản, cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong thời gian mang thai, khám thai định kỳ để các bác sĩ có thể phát hiện, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời.
|