Theo thống kê mới nhất, tại Mỹ hiện có 12,9 triệu người mắc bệnh mạch vành (BMV), trong đó 7,6 triệu người đã bị nhồi máu cơ tim. Hằng năm tại Mỹ có thêm 1,1 triệu người mắc BMV mới, trong đó 540.000 người bị nhồi máu cơ tim và cứ trung bình 34 giây có 1 người tử vong vì BMV.
Tại nước ta chưa có thống kê chính xác về số người mắc BMV, nhưng theo ước tính của Hội Tim mạch học quốc gia, hằng năm có khoảng 40.000 người vào các bệnh viện công vì bệnh này.
Chiều 30-10, như thường lệ sau giờ làm việc, anh N.T.B, 45 tuổi, ngụ tại phường 9, quận 10, lại “lai rai” vài chai với bạn bè. Đến khoảng 10 giờ tối, trên đường về nhà anh đột nhiên thấy đau tức ngực trái kèm khó thở. Tại phòng cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, anh được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay lập tức, anh được chuyển vào phòng thông tim. Sau khi mạch vành được bác sĩ nong ra và đặt stent (giá đỡ), anh B. lập tức thấy giảm đau, dễ thở và như thế anh đã... thoát chết trong gang tấc!
4 yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, hút thuốc lá
GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch – Giám đốc Trung tâm Y khoa StMary (Hoa Kỳ): Cần phân biệt các triệu chứng nhồi máu cơ tim “Triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim (NMCT) là đau ngực, nhưng trong nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng này. Bệnh nhân càng lớn tuổi thì nhiều khả năng triệu chứng càng “nhẹ”. Qua kinh nghiệm thăm khám bệnh nhân người Mỹ, tôi thấy những triệu chứng của NMCT đáng lưu ý là khó thở (bệnh nhân ý thức phải cố gắng để thở), xây xẩm mặt mày. Nếu có đau ngực thì triệu chứng này thường đến sau khi ăn no. Cần phân biệt NMCT với đau bao tử, đau gan, đau túi mật. Một điều lưu ý là dù có được cấp cứu kịp thời (nong mạch vành, đặt stent) thì sau đó bệnh nhân cũng phải tuân thủ một lối sống (sinh hoạt, ăn uống, làm việc... ) lành mạnh để tránh NMCT tái phát”. P.S ghi |
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra BMV, nhưng y học đã nhận diện 4 yếu tố chính là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường và hút thuốc lá. Một khảo sát của GS-BS Võ Quảng và cộng sự, BV Thống Nhất TPHCM, trên 151 bệnh nhân chụp mạch vành cho thấy có 74,8% người bị rối loạn mỡ máu với khả năng gây hẹp ĐMV là 3,6 lần; 73% người bị tăng huyết áp, khả năng hẹp ĐMV là 5,87 lần; 32,4% người có hút thuốc lá, khả năng hẹp ĐMV 1 lần; và 13,9% người bị tiểu đường type 2, khả năng hẹp ĐMV 0,75 lần.
Thoát khỏi tử thần nhờ stent Cypher
PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM, cho biết có 3 biện pháp chính để điều trị BMV, đó là điều trị nội khoa (dùng thuốc), nong ĐMV và phẫu thuật bắc cầu ĐMV. Ưu điểm của điều trị nội khoa là giải quyết bệnh tương đối tận gốc bằng các loại thuốc giãn mạch vành, làm cơ tim bớt co bóp. Song song đó bệnh nhân phải điều trị tốt các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bỏ thuốc lá, tránh thức ăn làm tăng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, khi chụp mạch vành và phát hiện ĐMV bị nghẽn hơn 70% thì bệnh nhân cần được nong mạch.
![]() | ||
|
Thông thường, sau khi nong mạch vành, bệnh nhân được đặt stent, một dụng cụ nhỏ bằng kim loại, để chịu được sức ép của lòng động mạch, duy trì lực ép lên mảng xơ vữa. Ra đời trong 5 năm trở lại đây, stent Cypher chống được hiện tượng tái hẹp so với stent thông thường nhờ có tẩm thuốc sirolimus, một loại kháng sinh ngăn cản tế bào mạch vành tăng sinh quá mức.
Tại hội thảo khoa học “Những thành tựu và thách thức mới trong tim mạch học can thiệp” tổ chức tại BV Chợ Rẫy ngày 7-12, GS-TS Michael Cowley, Chủ tịch Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ, cho biết sau 1 năm đặt stent Cypher 95% bệnh nhân có thể tránh được nguy cơ tái hẹp trong khi tỉ lệ này ở stent thường là 80%; và sau 2 năm tỉ lệ tái phát cần can thiệp chỉ là 2,5% và tái phát huyết khối là 0%.
Ở nước ta hiện có 5 BV thực hiện thường quy điều trị BMV, đặt stent là BV Bạch Mai, BV Quân y 108 (Hà Nội), BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất và Viện Tim (TPHCM).
Phan Sơn
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Áp lực công việc tăng nguy cơ bị bệnh tim 6 lần (14/12/2004)
▪ WHO cảnh báo dịch cúm gia cầm mới (15/12/2004)
▪ Tại sao ăn dầu tốt hơn ăn mỡ? (14/12/2004)
▪ Cảnh báo nguy cơ ung thư từ ozone bẩn (15/12/2004)
▪ Một em bé 4 tuổi bị dị vật đường thở 2 năm (15/12/2004)
▪ Magnesium rất tốt cho hoạt động não bộ (14/12/2004)
▪ Thuốc lắc... đằng sau những cơn hưng phấn (13/12/2004)