![]() |
Bệnh nhân được ghép thận theo phương pháp mới |
Hy vọng mới cho bệnh nhân suy thận
50 ca ghép thận một năm là mục tiêu của chương trình hợp tác trong ba năm tới giữa Sở Y tế TP.HCM và Khu liên hợp Bệnh viện Đại học Liège (Vương quốc Bỉ).
Tháng tư tới, chương trình sẽ nhận được 300.000 euro từ Bộ Hợp tác và Phát triển của Bỉ để mở một lớp đào tạo về ghép thận tại Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM. Theo giáo sư Michel Meurisse, Trưởng khoa Giải phẫu ổ bụng, tuyến vú, nội tiết và ghép tạng Bệnh viện Đại học Liège, các chuyên viên tin học của Bỉ đang tiến hành thành lập trên mạng một ngân hàng thông tin về ghép thận chứa đựng hồ sơ chi tiết của tất cả những bệnh nhân có nhu cầu và dự kiến cuối năm 2005 ngân hàng thông tin sẽ bắt đầu hoạt động thí điểm.
Năm 2004, Bệnh viện Đại học Liège đã hợp tác với Viện Quân y 115 (TP.HCM) tiến hành thành công 8 ca ghép thận. Giáo sư Meurisse kể: "Tháng 2/2004, chúng tôi tiến hành ghép 4 ca đầu tiên ở TP.HCM theo phương pháp truyền thống vẫn còn được sử dụng cách đây vài năm tại Bỉ, đó là mổ hở để lấy thận của người cho. Tháng 12 vừa rồi, chúng tôi tiến hành ghép 4 ca nữa với công nghệ tiên tiến hơn nhiều gọi là coelioscopie hay prélèvement laparoscopique de rein, nghĩa là lấy trái thận bằng phương pháp nội soi. Theo cách này người hiến tạng có thể ra viện ngay 48 giờ sau khi mổ và hồi phục cũng rất nhanh. Trường hợp 4 ca ghép hồi tháng 12 ở TP.HCM cũng vậy. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh một người hiến thận ngay hôm sau khi lấy thận, anh ta đi lại trong hành lang, ăn uống bình thường. Như vậy là người này đã hồi phục ngay sau 24 giờ chứ không phải là 48 giờ nữa".
Giáo sư Meurisse nói, nhu cầu về ghép tạng - đặc biệt là thận và gan - ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm ít nhất phải thực hiện 1.000 ca ghép thận mới bước đầu đáp ứng được nhu cầu ấy. Vậy mà trong lịch sử y khoa Việt Nam đến nay mới có hơn 200 cuộc phẫu thuật ghép tạng. Tại châu Âu, chỉ có 15% trường hợp ghép tạng là lấy tạng của người sống, 85% trường hợp còn lại là dùng tạng của người đã chết. Nhiều người Việt Nam phải sang tận Trung Quốc để ghép tạng và cũng dùng tạng người chết. Nhưng do việc phẫu thuật tiến hành vội vã và không đủ thông tin về tính tương thích giữa tạng được ghép với cơ thể người nhận nên có rất nhiều trường hợp thất bại. Giáo sư Meurisse nói ông đã gặp một số trường hợp như vậy phải đến điều trị tại Viện 115. Ông hy vọng sự ra đời của ngân hàng thông tin về ghép tạng và dự án đào tạo ghép thận Việt - Bỉ sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.
Ngay sau Tết, trẻ dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí
BV Nhi đồng I đã đề xuất 3 phương án thực hiện KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi: phương án 1 là mua BHYT cho trẻ (sẽ thực hiện giống như BHYT nhưng có bổ sung thêm một số quy định); phương án 2 là theo thực thanh thực chi, khi đó, trẻ đến khám cần có giấy khai sinh, hoặc giấy giới thiệu của cơ sở KCB ban đầu (đối với các trường hợp cấp cứu thì không cần giấy giới thiệu...); và phương án 3 là thực hiện theo thực thanh thực chi thông qua BHYT theo dạng của chương trình KCB cho người nghèo theo Quyết định 139 của Chính phủ trong thời gian qua. |
Theo báo cáo của các BV Nhi đồng và các BV có khoa Nhi, nếu thực hiện KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi thì số tiền ngân sách phải rót hằng năm cho các BV là rất lớn. Chỉ tính riêng tại BV Nhi đồng I, nếu miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi thì cần kinh phí hơn 131 tỉ đồng/năm, còn BV Nhi đồng II kinh phí dự trù cho công việc này cũng phải ngoài 100 tỉ, trong khi ngân sách T.Ư phân bổ cho TP.HCM để thực hiện KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi chưa đầy 60 tỉ đồng/năm. Giám đốc BV Nhi đồng I - bác sĩ Tăng Chí Thượng cho rằng cần tính toán kỹ để việc KCB miễn phí cho trẻ vẫn được duy trì liên tục sau khi đưa vào thực hiện.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở Y tế đề nghị các BV, đơn vị y tế của thành phố tính toán kỹ mức bình quân chi phí điều trị cho một trẻ, xem thiếu bao nhiêu để kiến nghị đề xuất xin tăng thêm kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo tốt việc KCB miễn phí cho trẻ nhưng cũng không làm các BV quá khó khăn. Ông Dũng cũng chỉ đạo, đối với những trẻ mắc bệnh thông thường thì các trung tâm y tế quận huyện, các đơn vị tuyến dưới phải điều trị cho bệnh nhi, không được đùn đẩy lên tuyến trên; riêng đối với BV Truyền máu - Huyết học và BV Ung bướu (TP.HCM), Sở sẽ đề xuất riêng với UBND thành phố cấp thêm kinh phí cho những trẻ điều trị tại hai BV này, chứ không theo mức chi phí quy định chung (dự kiến khoảng 75.000đ/trẻ).
Thu Hương - Thanh Tùng
▪ Âu lo thường xuyên dễ bị mất trí (05/02/2005)
▪ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống một người bị mất gần 3 lít máu (05/02/2005)
▪ Bước đột phá mới trong điều trị bệnh tim (07/02/2005)
▪ Nghiện thuốc lắc sẽ hỏng răng (07/02/2005)
▪ TP.HCM: Thứ trưởng Bộ Y tế thăm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (07/02/2005)
▪ Trung Quốc phát triển vắc-xin phòng cúm gia cầm (09/02/2005)
▪ Hai bệnh nhân mắc cúm A H5N1 xuất viện (09/02/2005)
▪ Rong biển có tính năng phòng ngừa ung thư vú (08/02/2005)
▪ Phương cách giúp tăng cường trí nhớ (09/02/2005)
▪ Bệnh thận làm giảm khả năng nhận thức (09/02/2005)