Bạn định tặng chocolate cho nàng nhân dịp Giáng sinh tới? Nhưng bạn đã biết gì về món ăn phổ biến này? Nó có thể gây nghiện cho nàng, nhưng cũng lại giúp đẩy mạnh khoái cảm cho bạn.
Lịch sử chocolate
Chocolate được làm từ hạt cây cacao Theobroma, tiếng Hy Lạp có nghĩa là "món ăn của các vị thần". Người Aztec cổ đại thường vái lạy cây cacao và sử dụng hạt của nó như một loại tiền tệ. Họ coi cây này là nguồn cung cấp sức mạnh và của cải nên đã giao cho thần Quetzalcoatl bảo vệ.
Người Aztec cũng đã phát hiện ra rằng khi nghiền hạt cây thành bột nhão và cho thêm gia vị, họ có thể tạo ra một thứ đồ uống ngon mát và bổ dưỡng. Thứ đồ uống này đắng hơn rất nhiều so với chocolate ngày nay. Những nhà thám hiểm châu Âu vào thế kỷ 16 đã du nhập món đồ uống này, bổ sung thêm hương vị ngọt ngào, và chẳng bao lâu nó thành một món đồ uống thông dụng và xa xỉ.
Thỏi chocolate đầu tiên
Vào thế kỷ 19, chocolate rắn đã trở nên phổ biến, với sự ra đời của các kiểu khuôn đúc. Người ta dùng máy xay nghiền nát hạt cocao thành bột mịn rồi đun nóng và đổ vào khuôn, tạo nên các hình dạng khác nhau khi đã nguội lạnh.
Một người Hà Lan tên là Coenrad Van Houten đã hoàn thiện việc triết tách bơ cacao từ hạt cacao vào năm 1825. Hạt được nghiền nát thành lớp nhão, đun dưới áp suất cao, tạo nên chất lỏng chocolate và bơ cacao. Bơ chiết xuất này được làm mịn và xử lý để khử mùi.
Vào những năm 1880, Rudolphe Lindt tại Switzerland đã bổ sung bơ cacao vào quá trình sản xuất chocolate, để làm cho sản phẩm nhẵn và bóng láng hơn. Bơ cacao tan chảy tại 36 độ C, nhiệt độ cơ thể người. Đó là lý do vì sao chocolate tan chảy trong miệng.
Chocolate sữa
Năm 1875, Daniel Peter người Thuỵ Sĩ đã hoàn thiện quá trình sản xuất chocolate sữa, ngọt và mịn hơn chocolate đen. Hãng Nestle sau này đã tạo ra sữa đặc dễ dàng trộn với chất cacao nhão, không giống như sữa lỏng. Dairy Milk do hãng Cadbury phát triển đầu tiên vào năm 1905 là loại chocolate thỏi nổi tiếng nhất ở Anh. Chocolate sữa hiện là loại bán chạy nhất thế giới.
Cơn nghiện chocolate
Tình yêu đối với chocolate không chỉ là sự thèm ngọt. Chocolate tạo nên cơn thèm khát mà các đồ ngọt khác như kẹo bơ cứng hay kẹo dẻo không thể mang lại. Chocolate khiến chúng ta cảm thấy sảng khoái, nhưng nó có thể gây nghiện? Các sản phẩm chocolate hiện đại có chứa lượng đường đáng kể, một phần lý giải cho đặc tính gây nghiện của chocolate.
Sở thích đồ ngọt
Bạn có thể thừa hưởng thói quen ăn đồ ngọt từ cha mẹ. Nghiên cứu gần đây tại Đại học New York giải thích có một lý do di truyền học cho việc mọi người thèm đồ ăn có đường. Nghiên cứu dựa trên 2 dòng chuột, được phối giống chọn lọc dựa theo việc cha mẹ chúng thích nước ngọt hay không ngọt. Nhóm đã tìm ra gene khác biệt trong 2 nhóm chuột rồi tìm kiếm trình tự gene tương tự ở người.
Sự thật ngọt ngào
Khả năng nhận biết đồ ngọt, và xu hướng phản ứng tích cực với chúng, đã là một lợi thế của tổ tiên của chúng ta. Đặc điểm di truyền này giúp người cổ đại tìm những thức ăn giàu chất dinh dưỡng như hoa quả, và tránh những thực vật gây độc có vị đắng. Nhưng ưu thế di truyền này lại ít có lợi hơn trong môi trường xã hội hiện đại.
Hoá học trong chocolate
Giống như các đồ ngọt khác, chocolate kích thích sự giải phóng endorphin, một hoá chất tự nhiên trong cơ thể tạo ra cảm giác thoả mãn và khoẻ khoắn. Bên cạnh sự ngọt ngào, có những hoá chất khác có riêng trong chocolate kích thích sự thèm muốn. Thực tế, chocolate chứa trên 300 hoá chất và người ta vẫn chưa biết hết chúng ảnh hưởng thế nào tới con người.
Nhiều phụ nữ cho biết họ đặc biệt thèm chocolate trước thời kỳ mãn kinh. Đó có thể là do chocolate chứa magiê, việc thiếu đi chất này làm tăng thêm sự căng thẳng trong giai đoạn tiền mãn kinh. Sự thèm muốn tương tự khi mang thai cũng có thể bắt nguồn từ bệnh thiếu máu nhẹ, và chất sắt trong chocolate sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
Những chất kích thích thần kinh như caffeine cũng có ở một lượng nhỏ, và nó mang lại sự tỉnh táo, cũng giống như khi ta uống cafe. Một chất kích thích nhẹ khác trong chocolate là theobromine, giúp thư giãn cơ trong các lớp màng phổi. Ngoài ra, chocolate cũng giúp chúng ta dễ chịu do phản ứng với não.
Vì sao chocolate làm ta thấy thích thú?
Một số hoá chất không rõ khác trong chocolate cũng có tác động bằng cách ảnh hưởng tới hệ truyền dẫn thần kinh trong não. Chúng làm thay đổi cảm giác và cảm xúc mà chúng ta cảm nhận.
Dược liệu tình yêu?
Chocolate chứa hoá chất tryptophan mà não sử dụng để tạo ra serotonin. Hàm lượng serotonin cao có thể tạo ra cảm giác hưng phấn, thậm chí là phê.
Dược liệu tình dục?
Trong khi tryptophan có thể được coi là chất kích thích của chocolate, một hoá chất khác gọi là phenylethylamine đã được đặt tên là 'chocolate amphetamine'. Hàm lượng chất này cao sẽ giúp thúc đẩy cảm giác hấp dẫn, thú vị, choáng váng và cả e sợ. Phenylethylamine hoạt động bằng cách kích thích trung tâm khoái cảm trong não và đưa người ta tới cực khoái.
Nhưng nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ giả thuyết này. Các hoá chất như tryptophan and phenylethylamine cũng được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn khác, trong khi chỉ có rất ít ở chocolate.
Cơn nghiện chocolate
Đây là hệ quả của quá trình phát triển sự lệ thuộc thể chất đối với chocolate. Nghiên cứu cho thấy nghiện thường liên quan tới sự hình thành và củng cố những neuron thần kinh. Vì vậy mà có thể là mỗi lần ăn thoả thích, não của bạn lại được lập trình để khiến bạn ngày càng yêu chocolate hơn.
Chocolate có tốt cho bạn?
Chocolate có nên là một thành phần thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng? Từ thế kỷ 17 - 18, nhiều bài báo đã ca ngợi lợi ích sức khoẻ của chocolate và ngày nay nó vẫn là một thành phần trong chế độ ăn uống trong quân đội. Trong chiến tranh vùng vịnh, lực lượng Mỹ cũng thường xuyên được gửi những thỏi chocolate chịu nóng tốt. Nhưng người ta vẫn chưa kết luận chocolate có lợi cho chúng ta hay không.
Thuốc đánh răng chocolate
Chocolate có thể giúp ngăn ngừa sự sâu răng, theo các nhà khoa học tại Đại học Osaka của Nhật Bản. Vỏ hạt cacao để làm chocolate có chứa tác nhân kháng sinh chống lại dịch bệnh. Những hạt này thường bị bỏ đi khi sản xuất chocolate, nhưng trong tương lai nó sẽ được bổ sung để có lợi cho răng miệng.
Nhưng các nhà nghiên cứu khác lại cho rằng khả năng chống sâu răng của vỏ hạt cacao chưa đủ, do trong chocolate cũng chứa lượng đường cao, vì vậy chocolate chưa thể thay thế thuốc đánh răng trong thời gian trước mắt.
Bệnh tim
Nhà khoa học Carl Keen và cộng sự đã tìm thấy chocolate có thể giúp ngừa bệnh tim. Nó chứa hoá chất gọi là flavinoid, làm loãng máu, tránh đông máu. Rượu đỏ cũng có tác dụng này.
Tin tốt và tin xấu
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã thực hiện thí nghiệm chứng tỏ nếu bạn ăn chocolate 3 lần trong một tháng, bạn sẽ sống lâu hơn 1 năm so với những người từ bỏ sự thèm ngọt này. Nhưng đấy chưa phải hoàn toàn là tin tốt, nghiên cứu tại Harvard cũng tìm thấy những người ăn quá nhiều chocolate lại có tuổi thọ ngắn hơn. Hàm lượng chất béo cao trong chocolate sẽ dẫn tới béo phì, gia tăng nguy cơ bệnh tim. Như vậy, bạn vẫn cần phải "điều độ" với chocolate. Nhưng nếu bạn không thể cưỡng lại nó, thì hãy chọn loại đen hơn là có sữa. Nó chứa cacao nhiều hơn chocolate sữa, giúp tăng hàm lượng HDL ngăn mỡ trong máu.
Cái chết bởi chocolate
Chó và nhiều loài vật nuôi khác như ngựa tiêu hoá thành phần theobromine trong chocolate chậm hơn con người. Vì vậy mà liều lượng an toàn cho chúng ta có thể lại gây độc cho vật nuôi, ảnh hưởng tới tim, thận và hệ thần kinh trung ương.
Minh Thi (theo BBC)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Yếu tố nào thuận lợi cho bệnh ung thư vú phát triển? (09/11/2004)
▪ Một em gái có nội tạng nằm sai vị trí (09/11/2004)
▪ Khám miễn phí cho bệnh nhân COPD tại Hà Nội (09/11/2004)
▪ Khó mở rộng mô hình nhà hàng, khách sạn không thuốc lá (09/11/2004)
▪ Đông y chữa viêm nhiễm ngoài da (09/11/2004)
▪ Những thức ăn có lợi cho tình yêu (09/11/2004)
▪ Việc rèn luyện có thể làm thay đổi não bộ (08/11/2004)