Những hiểu lầm tai hại
Các Website khác - 15/11/2004

Những hiểu lầm tai hại

TT - Một báo cáo với đề tài "Tìm hiểu về các phạm trù hiểu lầm trong sốt xuất huyết (SXH)” vừa được BS Trần Tấn Trâm (Bệnh viện Nhi Đồng 1) trình bày tại lớp chuyển giao công nghệ phòng chống SXH cho 19 BS Đài Loan. Đây là những sai lầm từ trong điều trị cho đến phòng chống được đúc kết và phân tích một cách hệ thống.

Những hiểu lầm trong điều trị được BS Trâm chỉ ra như khi có dịch thường chỉ lo huấn luyện BS điều trị mà ít quan tâm đến vai trò chăm sóc bệnh nhân của điều dưỡng. Nói đến SXH, BS thường nghĩ ngay đến trẻ em mà quên rằng hiện nay đối với người lớn cũng như trẻ nhũ nhi thì SXH đang là bệnh lý tương đối mới và rất khó nhận dạng nên dễ bị bỏ sót.

Trong định bệnh, có BS chờ kết quả xét nghiệm mới quyết định điều trị, nhưng thật ra dựa trên lâm sàng cũng đủ để quyết định điều trị khẩn trương. Ông nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung định bệnh sớm và điều trị đúng, nhân viên y tế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong điều trị và đừng gán ghép vào các nguyên nhân khác khi có xảy ra tử vong.

Về hậu cần, theo BS Trâm, trong tiếp liệu thường tập trung các dịch truyền như dung dịch muối (Ringer - Lactated, NaCl...) sản xuất trong nước mà ít quan tâm đến dung dịch keo (Dextran) phải nhập khẩu. Khi có dịch, nếu thiếu dung dịch keo như những năm trước đây thì tử vong chắc chắn sẽ rất cao.

Các báo cáo dịch SXH hiện còn rất nhiều sai sót về số lượng BN vì giữa sốt Dengue và SXH không sốc thì việc định bệnh gần như không chính xác. Trong báo cáo thành tích điều trị cũng không chính xác vì “đầu ra” được gộp trên tổng số ca SXH, gồm cả sốt Dengue, SXH không sốc và có sốc.

Trong phòng bệnh cũng còn rất nhiều hiểu lầm. Muỗi Aedes aegypti truyền bệnh SXH được xem như “người đẹp quí tộc” sống trong nhà, đẻ trứng trong nước thật sạch hay nước mưa trong các bồn chứa, ngủ ban đêm và hoạt động truyền bệnh ban ngày. Nhưng khi có dịch dễ có hiểu lầm là cần khai thông cống rãnh, dọn dẹp xịt muỗi môi trường bên ngoài là đạt yêu cầu. Kỳ thật kẻ thù SXH nằm ngay trong nhà. Dẹp triệt để các vật chứa nước để muỗi không có điều kiện phát triển, diệt lăng quăng mới là diệt “gốc”. Các chiến dịch hay hoạt động thường xuyên phun thuốc diệt muỗi hằng năm tại các vùng có dịch là rất ít hiệu quả nhưng lại quá tốn kém và làm ô nhiễm môi trường.

KIM SƠN