Những ngộ nhận chết người về bệnh ung thư
Các Website khác - 01/11/2004
Khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh Ngọc Thạch

Mỗi năm cả nước có thêm 150.000 bệnh nhân ung thư mới nhưng chỉ có 5% bệnh nhân được điều trị. Đây thực sự là thiệt thòi rất lớn cho người bệnh. Bởi nếu được điều trị sớm và đúng, chất lượng cuộc sống của người bệnh vẫn được đảm bảo; trong khi chi phí điều trị chỉ... vài chục ngàn đồng.


Ung thư ở Việt Nam

Theo Hội Ung thư Việt Nam, nhìn chung các bệnh thường gặp là ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, vòm họng, vú, cổ tử cung. Tuy nhiên, các vùng, miền cũng có sự khác nhau. Tại TP Hồ Chí Minh, các ung thư thường gặp ở nam giới là phổi (34%), dạ dày (26,7%), gan (17%), đại trực tràng (9,5%), tiếp đến là vòm hầu, thực quản, da, tuyến tiền liệt... Trong khi ở Hà Nội, các ung thư thường gặp ở nam giới là gan (26,6%), phổi (25,6%), dạ dày (17%), tiếp đến là đại trực tràng, tuyến tiền liệt, hốc miệng... Sự khác biệt này cũng khá rõ rệt đối với nữ giới. Tại TP Hồ Chí Minh, ung thư cổ tử cung được coi là thường gặp nhất ở nữ giới (gần 30%), tiếp đến là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, gan, buồng trứng... Tại Hà Nội, ung thư vú lại chiếm tỷ lệ cao ở nữ giới (trên 20%), tiếp đến là phổi, đại trực tràng, cổ tử cung, buồng trứng...

Điều trị ung thư gan

Các nghiên cứu dịch tễ cũng chỉ rõ: nhìn chung, người dân thường mắc một số chứng ung thư rất khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao như ung thư gan, phổi, vòm họng, bạch cầu cấp, buồng trứng, xương, thận... Hội Ung thư Việt Nam cho rằng một số quan niệm sai về ung thư trong cộng đồng và thầy thuốc đã phần nào gây cản trở công tác phát hiện sớm và điều trị ung thư. Nhiều người còn quan niệm mắc ung thư là chết, là "bản án tử hình", ung thư không thể điều trị khỏi. Một số khác lại cho mình là khỏe mạnh, không thể mắc ung thư nên thờ ơ không phòng và tích cực phát hiện sớm. Nhiều bệnh nhân lại có tâm lý sợ chẩn đoán ung thư, không muốn khám chuyên khoa ung thư, giấu bệnh, tự điều trị làm mất cơ hội chẩn đoán sớm và điều trị có kết quả. TS Đoàn Hữu Nghị - Phó giám đốc Bệnh viện K lưu ý thêm: "Một quan điểm sai cần được thay đổi là chữa ung thư bằng y học cổ truyền. Thực chất thuốc y học cổ truyền chỉ có thể giảm viêm, người bệnh có thể có các dấu hiệu hồi phục tạm thời".

Phát hiện sớm - chìa khóa điều trị thành công

Theo các chuyên gia, nếu phát hiện ung thư sớm (ở giai đoạn đầu), tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi là 40%. Tuy nhiên, để phát hiện sớm, bản thân mỗi người phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường. Các triệu chứng "sớm" của ung thư có thể có một hoặc một vài biểu hiện kết hợp: vết loét lâu lành, thiếu máu, gầy sút cân, rối loạn tiêu hóa dài ngày, hành kinh kéo dài, khó thở...

Ngoài ra, việc thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt cũng góp phần để phòng hoặc giảm các tác nhân gây ung thư. Chẳng hạn: không hút thuốc lá để phòng ung thư phổi; phòng ung thư dạ dày, thực quản bằng việc tránh sử dụng thực phẩm bảo quản muối; vệ sinh và an toàn tình dục để phòng ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật... Các công trình nghiên cứu đã xác định một số bệnh lý nếu không được can thiệp, điều trị có thể phát triển thành ung thư. Trong khi đó, nếu điều trị khỏi những bệnh lý này từ sớm sẽ loại bỏ được nguy cơ mắc ung thư: bệnh lý tinh hoạt lạc chỗ, hẹp bao quy đầu; viêm loét đại tràng mãn dễ dẫn đến ung thư, cần được phẫu thuật cắt đại tràng... TS Đoàn Hữu Nghị nhấn mạnh: "Nếu được phát hiện, can thiệp sớm, có thể chỉ vài chục ngàn đồng chi phí đã cho kết quả điều trị thành công; nếu để chậm, chi phí điều trị có thể lên tới cả trăm triệu đồng mà chất lượng điều trị lại bị hạn chế".

* "Tâm lý người bệnh sợ đụng dao kéo gây di căn đi xa còn khá phổ biến. Còn về phía chuyên môn, không ít thầy thuốc còn quan niệm ung thư là chết nên không khẩn trương điều trị cho bệnh nhân. Một số thầy thuốc còn mơ hồ về chẩn đoán, lầm tưởng một khối u giai đoạn sớm không đau là u lành tính nên không có thái độ điều trị tích cực hoặc khuyên bệnh nhân không cần điều trị. Các quan niệm sai lầm này đã làm khó thêm công tác chẩn đoán sớm, tăng tỷ lệ bệnh nhân giai đoạn muộn". Hội Ung thư Việt Nam

* "Khoảng 1/3 các loại ung thư có thể phòng ngừa được thông qua việc loại bỏ một số thói quen xấu: hút thuốc, uống rượu; 1/3 các trường hợp ung thư có liên quan đến yếu tố dinh dưỡng. Vì vậy, phòng chống tác hại của thuốc lá và thực hiện chế độ ăn hợp lý (giảm chất béo và calo; tăng nguồn vitamin trong rau quả; không dùng thực phẩm ô nhiễm hóa chất độc, nấm mốc) là vô cùng quan trọng để phòng ngừa bệnh ung thư". TS Nguyễn Bá Đức - Giám đốc Bệnh viện K

Liên Châu