Phần lớn chất thải y tế không được xử lý đúng
Các Website khác - 22/12/2004

Mỗi ngày, tại Việt Nam có gần 429 tấn chất thải rắn y tế mới phát sinh; trong đó, 34 tấn thuộc loại nguy hiểm cần xử lý. Tuy nhiên, chúng thường được thu gom cùng với các loại rác thông thường hoặc xử lý không đúng quy trình; góp phần đầu độc môi trường.

Theo tiến sĩ Lê Bích Thắng, Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm, Cục Bảo vệ môi trường, 70% lượng chất thải y tế nguy hại (như xilanh, kim tiêm, bệnh phẩm...) phát sinh ở thành thị. Riêng số chất thải nguy hại ở 1/3 Hà Nội và TP HCM đã chiếm 1/3 cả nước. Ở nhiều bệnh viện, loại rác này được thu gom cùng chất thải thông thường khác. Các cơ sở thường hợp đồng với công ty môi trường đô thị để thu rác. Nhiều trường hợp chất thải nguy hại đã được phân loại và để riêng, nhưng sau đó lại bị đổ lẫn với các chất thải thông thường trước khi công ty môi trường đến thu gom.

Tiến sĩ Thắng cũng cho biết, nếu sử dụng hết công suất thiết kế, các lò đốt rác y tế ở Việt Nam có thể tiêu hủy hơn 90% loại rác nguy hại. Tuy nhiên, do vận hành không đúng kỹ thuật nên khả năng thực tế chỉ đạt già nửa con số này. Và khả năng đó cũng không được tận dụng hết vì phần lớn bệnh viện dù mua được lò (giá khoảng 3 tỷ đồng/chiếc loại ngoại nhập) cũng không đủ tiền vận hành nó. Theo tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng thuộc khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, chi phí này không hề nhỏ. Ở Bạch Mai, tiền xử lý rác mỗi năm là nửa tỷ đồng.

Ngoài tiền vận hành lò, để xử lý rác đúng quy cách, các bệnh viện còn phải mua túi, thùng đựng rác, xe vận chuyển và nhà lạnh lưu giữ rác chờ xử lý; mà những mặt hàng này đều có giá thành quá cao. Phần lớn bệnh viện chỉ đủ tiền nâng cấp khâu khám chữa bệnh chứ chưa có khả năng tập trung cải thiện chất lượng thu gom, xử lý rác.

Chính vì vậy nên hiện nay chỉ có khoảng 37% loại rác y tế nguy hại được đốt bằng lò hiện đại, số còn lại được thiêu ngoài trời, đốt bằng lò thủ công hoặc chôn ở bãi rác. Ở nhiều nơi, chất lượng lò đốt không đạt yêu cầu, việc vận hành cũng không đúng kỹ thuật và điều này làm tăng khả năng phát thải các chất độc hại ra môi trường, như dioxin, furan...

Tiến sĩ Thắng cho rằng, do việc xử lý chất thải bệnh viện ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và đòi hỏi kinh phí rất lớn nên Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ bằng cách tăng kinh phí và có những ưu đãi đối với các dự án loại này. Ngoài ra, nên khuyến khích tư nhân tham gia vận chuyển, xử lý và sản xuất các phương tiện xử lý rác bệnh viện. Việc ra đời các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên sẽ có thể tạo ra bước chuyển lớn.

Thanh Nhàn