![]() |
Một ca mổ cắt mí mắt tại TP HCM. |
Để kéo dài tuổi xuân, bà Trần Thị Hạnh ở Khánh Hòa đến một thẩm mỹ viện tại quận 1, TP HCM lấy bớt túi mỡ ở các mí mắt. Đóng 7,4 triệu đồng và đo huyết áp xong, bà được đưa lên bàn mổ. Vài giờ sau khi trở về nhà, 2 mắt bà Hạnh bắt đầu sưng rồi chảy máu.
Nạn nhân được đưa ngay trở lại thẩm mỹ viện nhưng qua 4 ngày khắc phục hậu quả tại đây, mắt bà Hạnh chẳng những không hết chảy máu mà còn sưng to, đau nhức. Gia đình đành đưa bà đến bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 1 tuần nhập viện, vết thương đã đỡ nhiều nhưng toàn gương mặt bệnh nhân, đặc biệt là vùng mắt, bị thâm tím, sưng to, tròng mắt đỏ ngầu... Theo các bác sĩ, để các thương tổn này bình phục hoàn toàn, phải mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Theo nguyên tắc, bất kỳ cuộc phẫu thuật nào có chảy máu đều phải do bác sĩ trực tiếp mổ. Các ca đại phẫu phải được làm tại bệnh viện. Bệnh nhân trước khi mổ phải được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm đường huyết. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thẩm mỹ không thực hiện các nguyên tắc trên. |
Còn chị Trần Thanh Hà ở Gò Vấp lại đi lấy túi mỡ mí mắt vì muốn tạo ấn tượng trong buổi ra mắt gia đình chồng tương lai. Đến ngày tháo băng, sự cố lộ diện: một bên mắt bị nhiễm trùng tại vết mổ. Trải qua hai lần phẫu thuật khắc phục hậu quả trong 4 tháng, mắt chị chẳng những không đẹp hơn mà còn có một sẹo lồi dài dưới mí mắt trái - nơi bị nhiễm trùng.
Bà Nguyễn Hồng Nhung, 45 tuổi thì đến Bệnh viện Trưng Vương để xin xóa những vết xăm ở lông mày và mí mắt đang bị lem loang lổ. Trong lúc chờ gặp bác sĩ, bà cứ thở dài tiếc rẻ: "Lúc chưa xăm, tôi đẹp lắm đấy. Nghe lời bạn bè đi xăm mày và mắt để mong trẻ lâu hơn. Ai ngờ...”.
Bệnh viện Chợ Rẫy và Trưng Vương (TP HCM) hầu như tuần nào cũng tiếp nhận bệnh nhân vào khắc phục hậu quả do giải phẫu thẩm mỹ. Thường gặp nhất là bệnh nhân bị chảy máu, nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật cắt mắt, căng da mặt, nâng mũi và nâng ngực...
Ngoài các phẫu thuật trên, nhiều phụ nữ còn "gặp hạn" do dịch vụ bơm silicon dạo. Từ lâu, ngành y tế đã cảnh báo những tác hại khi làm đẹp bằng dung dịch lỏng, đặc biệt là silicon. Thế nhưng, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn thường xuyên tiếp nhận nạn nhân của silicon lỏng, đặc biệt là người vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở các vùng quê, “chuyên gia” bơm silicon dạo tiếp thị tận nhà, dụ dỗ chị em nâng mũi, ngực với chi phí “phải chăng”. Thế là họ bỏ ra 200-300 nghìn đồng để sở hữu một chiếc mũi cao dọc dừa hoặc một vùng ngực bốc lửa, đầy đặn mà không hề biết hậu quả.
Mới đây, tiến sĩ Đỗ Quang Hùng thuộc khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp chị Nguyễn Thị Lành 36 tuổi, bị biến chứng hoại tử và xơ hóa ở một bên ngực sau khi nâng ngực bằng một loại dung dịch lỏng. Bệnh nhân cho biết đã được một cơ sở thẩm mỹ ở quận Bình Thạnh sử dụng mỡ nhân tạo (nói là nhập từ Trung Quốc) để bơm vào ngực với giá 3 triệu đồng. Sau 2 tháng, vùng ngực mới bơm của chị bị viêm tấy, đau nhức và dẫn đến hoại tử. Bác sĩ Hùng cho biết, cách giải quyết hiện nay là cắt bỏ toàn bộ vùng ngực bị xơ hóa. Chị không thể lấy lại vẻ đẹp ngày trước vì các dung dịch lỏng như silicon, mỡ nhân tạo một khi được bơm vào vùng nào là vùng đó sẽ bị biến dạng, hoại tử...
Theo bác sĩ Quang Hùng, khi muốn phẫu thuật bất kỳ bộ phận nào , khách hàng cũng nên thận trọng vì mọi ca mổ đều ẩn chứa nguy cơ tai biến. Tai biến ít hay nhiều phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ, cơ địa bệnh nhân và môi trường phẫu thuật. Vùng mặt là nơi thường được bệnh nhân chọn để giải phẫu làm đẹp nhất. Dù đây là vùng có nhiều mạch máu, sức đề kháng tốt, ít bị nhiễm trùng so với các vùng khác trong cơ thể nhưng vẫn có thể xảy ra các tai biến khó lường trước. Chẳng hạn, những người cắt mắt có thể bị sưng bầm vết thương hoặc chảy máu, nhất là những trường hợp lớn tuổi. Phẫu thuật cắt mắt còn có thể để lại sẹo, khiến bệnh nhân sụp mi, liệt cơ nâng mi... Ước mơ có chiếc mũi dọc dừa bằng phẫu thuật, bơm silicon lỏng có thể khiến bệnh nhân bị sẹo vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, ứ máu ở vùng sống mũi hoặc hoại tử vùng mũi...
Có một phương pháp trẻ hóa đang được nhiều phụ nữ hưởng ứng nhưng lại dễ gây tai biến, đó là căng da mặt. Nếu gặp bác sĩ thiếu kinh nghiệm, bệnh nhân có thể bị chảy máu, sẹo lớn, liệt thần kinh mặt, nhiễm trùng vết mổ... Vết thương trong căng da mặt thường rất lớn. Khi đã bị tai biến, việc khôi phục trở lại như lúc đầu là rất khó.
Ngay cả ở nước ngoài, tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ vẫn thường xảy ra. Bác sĩ phẫu thuật cao cấp Simon Withey (thành viên của Hiệp hội các nhà phẫu thuật thẩm mỹ Anh quốc BAAPS) thường được mời đến "chữa cháy" cho các ca phẫu thuật hỏng. Có nhiều ca ông phải "bó tay" và bệnh nhân phải mang sẹo suốt đời. Ông kể: "Có cô gái chọn một giáo sư thẩm mỹ ở Đông Âu phẫu thuật mí mắt với mong muốn mí mắt được căng lên. Thế nhưng khi tôi đến gặp cô ta, cả mí mắt dưới bị kéo xệ xuống để lộ toàn bộ lòng trắng. Mí mắt của cô không đóng lại được như cũ nữa và có thể bị sẹo mắt suốt đời. Tôi cũng từng gặp một phụ nữ đi hút mỡ chân ở Nam Phi. Ca phẫu thuật không thành công, chân bị tóp lại đến mức bà cần có thêm mỡ để nó tròn trịa trở lại. Bệnh nhân này đã trải qua hai lần phẫu thuật nhưng đôi chân sẽ không thể trở lại như cũ nữa". |
(Theo Thanh Niên)
* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Vịt có thể là kênh lây lan cúm gà nguy hiểm (15/11/2004)
▪ Các bài thuốc Nam chữa viêm họng (15/11/2004)
▪ Nước đóng chai chứa nhiều vi khuẩn (15/11/2004)
▪ Tư vấn và tầm soát miễn phí bệnh COPD (15/11/2004)
▪ Hút thuốc, ăn mặn gây ung thư thực quản (15/11/2004)
▪ Những hiểu lầm tai hại (15/11/2004)
▪ Khoảng 18 triệu dân VN có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch (15/11/2004)