Phòng ngộ độc cho trẻ tại gia đình
Các Website khác - 14/05/2005
Đừng đựng chất lỏng gây độc trong vỏ chai nước.

Ngộ độc thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là bé trai. Ba yếu tố hay gây độc cho trẻ nhất là thuốc, hóa chất gia dụng và thức ăn. Sự thiếu hiểu biết hoặc thờ ơ của người lớn “góp phần” làm tai nạn ngộ độc ở trẻ nhỏ dễ xảy ra hơn.

Trẻ dưới 1 tuổi bị ngộ độc thường do cha mẹ cho dùng lầm thuốc, dùng quá liều hoặc không biết rõ tác dụng của thuốc; phổ biến nhất là thuốc chống nôn, kháng histamin, nhỏ mũi co mạch...

Trẻ từ 1 đến 3 tuổi đã có thể trèo lên ghế, với lên kệ cao, mở ngăn kéo bàn, tủ, mở nút chai lọ và cho vào miệng mọi thứ lấy được. Trẻ cũng thích nuốt những thứ có vị lạ, các loại thuốc trông giống như kẹo hay dung dịch hóa chất trông giống như xi-rô. Khi khát, trẻ có thể uống ừng ực các loại nước tẩy rửa, dầu hỏa nếu chúng được đựng trong chai nước suối, nước ngọt, bình đựng nước. Các thuốc hay gây ngộ độc cho nhóm tuổi này là kháng histamine, hạ sốt, chữa cảm lạnh, gây ngủ, hạ huyết áp. Ngộ độc thường xảy ra khi cha, mẹ hoặc người trông trẻ bận rộn, không thể theo dõi sát.

Nên nhớ rằng một số động thực vật như sắn, trái bã đậu, hạt cam thảo dây, trái dầu vừng, nấm, cóc, cá nóc... chứa chất gây độc. Thức ăn, nước uống có thể bị nhiễm độc tố của vi khuẩn, siêu vi hay độc chất, trước hoặc sau khi nấu.

Sau khi trẻ nuốt vào, những chất độc từ thuốc hay hóa chất sẽ xuống dạ dày đến ruột. Tại đây, chúng sẽ thấm qua ruột vào máu, nếu ở ruột lâu sẽ ngấm vào máu nhiều và gây ngộ độc nặng hơn. Nếu trẻ nôn ra ngay sau khi nuốt thì có thể tống được chất độc ra khỏi cơ thể trước khi vào ruột. Những chất không thấm qua thành ruột sẽ không đi vào máu và không gây ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể. Chúng sẽ theo phân ra ngoài và không gây độc.

Trẻ cũng có thể hít phải những chất độc như khí từ động cơ chạy xăng, khói từ bếp dầu, lò sưởi, than, củi đốt. Khí, khói độc bị tụ lại trong phòng đóng kín sẽ qua hơi thở vào miệng, mũi, đi xuống phổi và vào máu rất nhanh.

Một số chất như thuốc trừ sâu nếu bắn vào da sẽ thấm vào cơ thể. Da ẩm ướt, nhiều mồ hôi sẽ làm các chất này thấm qua nhanh hơn so với da khô, lạnh.

Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải quan sát kỹ chung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây ngộ độc và đem theo chúng đến bệnh viện. Hãy liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Nếu trẻ uống phải hóa chất, cần cho uống nhiều nước. Còn nếu ngộ độc thuốc, đừng cho trẻ uống bất kỳ loại nước nào cho đến khi có sự trợ giúp y tế. Không gây nôn cho những trẻ bị co giật, hôn mê hoặc uống phải chất gây bỏng miệng (như axit), chất bay hơi (dầu, xăng).

Nếu bị ngộ độc do tiếp xúc qua da, cần cởi bỏ quần áo trẻ, rửa da bằng xà phòng và nhiều nước, tránh chà xát mạnh vì sẽ làm chất độc thấm qua da nhanh hơn. Nếu trẻ hít phải khí độc, lập tức đưa ra chỗ thoáng khí, mở rộng cửa.

Sau khi sơ cứu, đưa trẻ đến bệnh viện ngay, không được chậm trễ.

Phần lớn các trường hợp ngộ độc ở trẻ xảy ra tại nhà. Do vậy biện pháp phòng ngừa chủ yếu là tạo sự an toàn cho trẻ ở gia đình và an toàn trong sử dụng thuốc. Thuốc chữa bệnh phải đặt trong tủ thuốc trên cao, xa tầm nhìn và tầm với của trẻ. Không để trẻ tự uống thuốc. Người lớn cho trẻ uống theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không dùng thuốc của người lớn, không lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác uống. Luôn đóng kín, cài chốt tủ sau khi dùng thuốc. Đừng bao giờ nói với trẻ thuốc là kẹo, là bánh, là nước ngọt, không cho trẻ chơi với các lọ thuốc. Cũng đừng uống thuốc khi có mặt trẻ, vì trẻ em thường thích bắt chước người lớn.

Tất cả các hóa chất như chất tẩy giặt, thuốc diệt chuột, thuốc nhuộm tóc... phải để đúng trong hộp, lọ của chúng, đặt trong tủ đóng kín, có chìa khóa càng tốt. Không để các chất có thể gây độc vào loại chai lọ vẫn dùng để đựng thức ăn, nước uống. Không đặt chúng dưới gầm tủ, góc bếp.

Để tránh ngộ độc thức ăn, không cho trẻ ăn những thứ đã để qua đêm mà không cất trong tủ lạnh. Dạy trẻ không được tự ý uống hay ăn những chất lạ.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)