Sẹo lồi
Các Website khác - 06/05/2005

"Em 26 tuổi, sinh mổ, đến nay được 6 tháng. Hiện vết mổ ấy nổi gồ cao lên, có màu hơi tím, dài giống như hình con đỉa và có cảm giác ngứa. Bác sĩ khám bảo là sẹo lồi. Xin cho em biết rõ hơn về các biểu hiện của sẹo lồi và cách điều trị ra sao?".

Trả lời:

Sẹo lồi là tình trạng tăng sản lành tính quá mức của tế bào sợi mô liên kết và mô đàn hồi của da. Ở một số người có “thể tạng đặc biệt”, sau khi phẫu thuật hay bị một vết thương hơi sâu thì nơi đó sẽ có sẹo lồi. Sự hình thành sẹo thường tiến triển chậm, với sang thương nổi gồ cao hơn mặt da, màu tím - hồng, có cảm giác hơi ngứa trước khi sẹo lồi to dần. Sẹo thường làm bệnh nhân ngứa khó chịu, gây mất thẩm mỹ. Có những biến chứng do sẹo lồi gây nên cũng không lường trước được, đặc biệt sẹo lồi sau bỏng diện rộng, vết thương ở vùng khớp, vì sẽ gây biến dạng co rút làm mất hoặc hạn chế chức năng vận động của khớp. Vì vậy, đối với các vết thương, đặc biệt ở vùng khớp như bàn tay - bàn chân, khớp gối, khớp khuỷu, cần điều trị thật tốt, chú trọng tránh sự phát triển của sẹo lồi.

Có nhiều phương pháp để điều trị, nhưng phần lớn chỉ là giải quyết tạm thời vì sau điều trị, sẹo lồi có thể phát triển trở lại:

Cắt bỏ sẹo lồi và khâu lại: Đây là phương pháp giúp người bệnh thấy hiệu quả tức thì nhưng sau đó sẹo thường phát triển trở lại và có khuynh hướng to hơn.

Đốt sẹo lồi bằng laser CO2: Là phương pháp được ứng dụng nhiều hiện nay.

Chích corticoide tại chỗ: Có tác dụng tốt làm xẹp sẹo lồi, hết ngứa, nhưng dễ gây nhiều tác dụng phụ như teo da, mất màu da, có thể gây rong kinh ở phụ nữ...

Chấm nitơ lỏng: Nitơ có tác dụng làm tiêu hủy mô cứng, làm giảm bớt sẹo, nhưng sau đó sẹo cũng phát triển trở lại.

Đắp chất phóng xạ: Là phương pháp hiệu quả nhưng để lại sẹo xẹp nhỏ có màu sẫm và xấu.

Tóm lại, hiện nay điều trị sẹo lồi còn gặp nhiều khó khăn, chưa có một phương pháp nào là hoàn hảo, tốt nhất là hạn chế đối đa việc gây thương tích cho cơ thể và tránh những phẫu thuật chưa cần can thiệp.

BS Trần Quốc Long, Sức Khỏe & Đời Sống