Stress làm nhiễm sắc thể già đi 10 năm
Các Website khác - 30/11/2004
Stress.

Căng thẳng tâm lý có đủ sức mạnh để làm lão hoá nhiễm sắc thể của phái đẹp đi một thập kỷ. Một nghiên cứu mới vừa tiết lộ điều đó.

Mối liên hệ thấy được bằng mắt thường giữa stress, tuổi tác và sức khoẻ đã biết đến từ lâu, nhưng ở cấp độ tế bào người ta vẫn chưa rõ sự thể hiện của nó. Mới đây, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Elissa Epel thuộc Đại học California ở San Francisco, Mỹ, đã thử đột phá vào thế giới vi mô này.

Ở đầu của các nhiễm sắc thể có một đoạn ADN gọi là mũ telomere, có nhiệm vụ bảo vệ những phần đầu này và thúc đẩy quá trình ổn định gene. Mỗi lần tế bào phân chia, các telomere lại ngắn đi một chút, vì thế tế bào của con gái có các telomere ngắn hơn một chút so với của cha mẹ mình. Tuy nhiên ở những người trẻ tuổi, một enzyme có tên gọi telomerase sẽ chỉnh sửa lại quá trình này, giúp tái sinh phần đầu của nhiễm sắc thể. Song khi họ già đi, các telomere sẽ ngắn đi đáng kể và cuối cùng ngừng tái tạo.

Để nghiên cứu ảnh hưởng của stress lên tế bào, Epel và cộng sự đã xem xét các nhiễm sắc thể trong tế bào bạch cầu của 58 bà mẹ, hai phần ba trong số họ có con bị ốm kinh niên. Những người mẹ khác có con khoẻ mạnh, vì thế họ được xem là ít căng thẳng hơn.

Phân tích cho thấy những người mẹ nào thừa nhận mình căng thẳng nhất cũng là người có telomere ngắn nhất. Và hiệu ứng này lớn đến mức nó tương đương 9 đến 17 năm tuổi của tế bào.

Epeel cho biết bà không ngạc nhiên trước kết quả này: "Tôi tin rằng cách thức mà chúng ta cảm nhận thế giới có ý nghĩa lớn hơn là sự tồn tại khách quan của chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy căng thẳng, thì phải quan tâm đến nó một cách nghiêm túc vì stress có thể biểu hiện ngay từ cấp độ tế bào".

Những phụ nữ chăm sóc trẻ ốm trong thời gian lâu nhất cũng có telomere ngắn, bất kể mức độ căng thẳng mà họ phải chịu đựng. "Thật không may, thời gian chăm sóc người khác càng dài, sức khoẻ của họ càng tồi tệ", Epel nói.

Epel cho biết cần có các nghiên cứu khác để khẳng định kết quả của nghiên cứu nhỏ này, bởi công trình của bà không tính đến lối sống, địa vị xã hội và các tiếp xúc với môi trường.

T. An (theo NewScientist)