Dùng thuốc bừa bãi (tự ý dùng, tăng hoặc giảm liều, ngưng thuốc khi chưa hết bệnh...) là chuyện khá phổ biến trong cộng đồng. Hiện điều này đang được “khuyến khích” thông qua những chương trình quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng, chưa kể việc mua, bán thuốc ngày càng trở nên dễ dàng như... mua kẹo.
Đã có không ít trường hợp nhập viện, tiền mất tật mang vì tác dụng phụ của thuốc hoặc dùng thuốc không đúng cách
Cuối tháng 10-2004, trong một lần bị đau bụng, nôn ói, N.Đ.K, 15 tuổi, ngụ tại phường 3, quận Gò Vấp, ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống. Ngày 31-10, K. được chuyển vào Bệnh viện (BV) 175 trong tình trạng da lạnh, trụy mạch, loạn nhịp tim. Tại Khoa Hồi sức tích cực, K. được đặt nội khí quản, sốc điện và dùng thuốc vận mạch. Nhờ sự cứu chữa tận tình của tập thể y-bác sĩ tại đây, K. được cứu sống trong gang tấc. Qua xem xét những loại thuốc mà K. đã uống, bác sĩ Nguyễn Đức Thành, người trực tiếp điều trị, cho biết nhiều khả năng em bị viêm cơ tim do ngộ độc Bactrim, một loại kháng sinh mà các tiệm thuốc tây thường bán cho những người bị viêm nhiễm đường ruột.
Dùng không đúng, thuốc làm bệnh nặng thêm!
Trong thư gửi Báo Người Lao Động, chị T.T.M, 53 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng, cho biết 10 năm trước chị bị rối loạn tiền đình, ngày nào cũng mất ngủ, chóng mặt và ói mửa. Biết chị mắc bệnh, ba của chị tại Mỹ đã gửi về một lọ thuốc an thần Nortriptyline-hydrochloride (25 mg). Chị uống thử 1 viên vào buổi tối, kết quả là ngủ rất ngon, cảm giác buồn nôn, chóng mặt biến mất. Từ đó trở đi ngày nào trước khi đi ngủ chị cũng uống một viên và thế là sau gần 10 năm, chị đã... nghiện thuốc, tối nào không uống là sáng hôm sau bị chóng mặt, buồn nôn, thậm chí là... nóng sốt!
Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, cho biết phần lớn các loại thuốc trị tâm thần, trầm cảm, lo âu đều gây nhiều tác dụng phụ. Chẳng hạn thuốc dùng chữa trầm cảm không đúng chẳng những bị nghiện mà còn có thể làm bệnh nặng thêm, người bệnh ngày càng buồn bã, chán nản, không còn hứng thú làm việc, dễ tự tử! Vì thế muốn sử dụng những loại thuốc này, cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Điền kể một trường hợp đáng chú ý: Một bà mẹ dẫn con gái đến BV Tâm thần TPHCM để khám bệnh. Cô gái kể mình thường xuyên mất ngủ, sáng dậy thấy uể oải, thiếu hứng thú trong công việc, ăn không ngon miệng và luôn luôn cảm thấy buồn. Sau khi khám bệnh, các bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm. Qua 5 - 6 tuần điều trị bằng thuốc, bệnh đã thuyên giảm. Lo sợ con mình xinh đẹp nếu cứ tiếp tục uống thuốc tâm thần sẽ bị nghiện thuốc, nên bà mẹ đã không cho con gái uống thuốc nữa. Vài tháng sau, những cơn trầm cảm lại xuất hiện nặng hơn. Cô mất ngủ nhiều, không muốn nói chuyện với ai, không thiết tha đến ăn uống, bỏ bê công việc... Bà mẹ đưa con trở lại BV. Lần này, các bác sĩ cho biết cô sẽ phải điều trị hơn một năm mới thuyên giảm và nếu để tái phát nhiều lần sẽ phải điều trị... từ 3 - 5 năm!
Thuốc cảm cũng gây độc!
Trong thực tế không chỉ những loại kháng sinh, thuốc đặc trị gây ra phản ứng phụ mà cả những loại thuốc thông thường như vitamin hay thuốc cảm cũng có thể gây ra tai biến, đôi khi đe dọa đến tính mạng. Một nghiên cứu của các bác sĩ Nguyễn Thế Cường và Phạm Duệ trên 14 bệnh nhân vào cấp cứu tại BV Bạch Mai vì đau đầu và choáng váng sau khi uống thuốc điều trị cảm cúm (Rhumenol, Decolgen, Decolsin, Medicolac) cho thấy tất cả đều có tăng huyết áp, thậm chí 1 người còn bị loạn nhịp tim! Đáng nói là trước đó không người nào trong số này từng bị bệnh tim mạch. Tai biến ở đây được quy cho Phenylpropanolamin, một thành phần thường có trong thuốc cảm để làm giảm nghẹt mũi, tuy nhiên chất này lại có thể gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đau ngực... Theo các tác giả nghiên cứu, sự cố liên quan đến thuốc cảm cúm thường do người dân dùng thuốc với liều tùy tiện, khi thấy chưa tác dụng thì lại uống thêm, điều này dễ dẫn đến quá liều, làm cho các triệu chứng nặng thêm và càng dễ bị tác dụng không mong muốn.
Tuy nhiên, ngay cả Acetaminophen, thành phần chính trong những loại thuốc giảm đau, chữa cảm cúm hiện nay cũng không phải là... vô hại. Tháng 7-2004, Gary Curhan, nhà nghiên cứu tại BV Phụ nữ Boston (Hoa Kỳ), đã công bố một khảo sát cho thấy việc dùng Acetaminophen (Tylenol) lâu ngày có thể dẫn đến chứng suy thận. Cụ thể những ai dùng từ 1.500 – 9.000 viên Tylenol có nguy cơ bị xáo trộn chức năng thận đến 64% và trong số 1.700 phụ nữ được nghiên cứu, 10% người sử dụng Acetaminophen trên 11 năm đã bị giảm chức năng lọc thận. Curhan nói: “Nghiên cứu này không nhằm khuyến cáo mọi người ngưng sử dụng Acetaminophen, mà gợi ý bác sĩ sử dụng những biện pháp giảm đau khác trong trường hợp bệnh nhân phải điều trị kéo dài”.
Phan Sơn –Thùy Dương
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Hóa trị giúp lọai bỏ một số u hắc tố (23/11/2004)
▪ Tia xạ gây yếu sinh lý? (23/11/2004)
▪ Rối loạn tiêu hóa khi hành kinh (23/11/2004)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 105) (23/11/2004)
▪ Dịch tả lan rộng tại Nigeria (23/11/2004)
▪ Dược thiện dưỡng thai (23/11/2004)
▪ Một cháu bé ngưng tim do sặc cháo (23/11/2004)