Tái cảnh báo về đại dịch cúm
Các Website khác - 26/05/2005
Người nhiễm cúm gia cầm do tiếp xúc trục tiếp với gà bệnh.

Ước tính sẽ có khoảng 1/5 dân số thế giới sẽ bị nhiễm cúm nếu một đại dịch xảy ra. Các nhà khoa học một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những hậu quả mà nó gây ra cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế.

Trên tạp chí Nature, các chuyên gia Mỹ và Hà Lan cảnh báo rằng nếu đại dịch nổ ra, sẽ có gần 30 triệu người sẽ phải nhập viện và khoảng 7,5 triệu tử vong. Nền kinh tế thế giới sẽ khó tránh khỏi bị tổn thất nặng nề, từ sự gián đoạn trong giao dịch quốc tế đến bệnh tật và cái chết.

Nhóm nghiên cứu kêu gọi cần có một phương pháp thống nhất để giải quyết vấn đề này. Chỉ có sự nỗ lực của toàn thế giới, chứ không phải là những hành động đơn lẻ của từng quốc gia, mới đủ sức khống chế dịch bệnh.

Nỗi lo ngại về một đại dịch ngày càng gia tăng, khi mà chỉ riêng vùng Đông Nam Á trong thời gian qua đã xảy ra các vụ dịch cúm gà chủng H5N1, làm 53 người thiệt mạng. Theo ước tính của WHO, gần 60% số người nhiễm H5N1 đã bị thiệt mạng. Người ta cho rằng chủng virus độc này có thể sẽ đột biến, và có đủ khả năng lây bệnh từ người sang người, mặc dù cho đến nay biến thể nguy hiểm chưa xuất hiện.

Giới chuyên môn liên tục cảnh báo đại dịch cúm trong tương lai sẽ tồi tệ hơn nạn dịch xảy ra vào năm 1918, cướp đi sinh mạng của 20-40 triệu người. Trong khi các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực tìm cách phát triển văcxin, một số quốc gia đã lên kế hoạch dự trữ hàng triệu liều thuốc kháng virus để đối phó.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm y tế Erasmus (Hà Lan), dẫn đầu là tiến sĩ Albert Osterhaus, cho rằng hiện nay, thế giới thiếu sự thống nhất trong cách chẩn đoán bệnh ở người và cách kiểm soát dịch. Nhóm kêu gọi cần có một phương pháp giám sát gia cầm tốt hơn, qua đó biết được chúng đang mang chủng virus nào. Họ cũng đặt ra nhu cầu bức thiết xây dựng một lực lượng đặc nhiệm, gồm các chuyên gia về sức khỏe người và động vật cũng như các chuyên gia tư vấn chính sách y tế, hoạt động dưới sự đỡ đầu của WHO.

Giáo sư Michael Osterholm, Đại học tổng hợp Minnesota (Mỹ) cho rằng: "Một khi đại dịch cúm ập đến, nó sẽ kích thích một phản ứng làm thay đổi toàn bộ thế giới trong nháy mắt. Phía các nhà lãnh đạo ngay lập tức sẽ ngăn chặn virus thâm nhập vào đất nước bằng cách cắt giảm, thậm chí huỷ bỏ các chuyến công du và giao dịch nước ngoài, giống như hồi châu Á phản ứng với nạn dịch SARS. Các cộng đồng đơn lẻ cũng muốn ngăn chặn "người ngoài". Nền kinh tế toàn cầu, của từng quốc gia và khu vực sẽ nhanh chóng đi tới tình trạng tạm ngừng hoạt động".

Mỹ Linh (theo BBC)