Tạo tế bào thần kinh từ phôi gà
Các Website khác - 25/03/2005

Các nhà khoa học đã biến đổi được tế bào gốc lấy từ tủy xương người lớn thành tế bào thần kinh bằng cách cấy ghép chúng vào phôi gà.

Phát hiện này rất quan trọng vì tế bào thần kinh là loại tế bào rất khó hồi phục khi bị tổn thương, và cũng rất khó "sản xuất" nhất. Trong khi đó, các bệnh thần kinh như liệt rung (Parkinson), mất trí nhớ rất cần tế bào thần kinh để điều trị.

Các nhà khoa học tại Đại học Oslo (Na Uy) đã sử dụng kỹ thuật vi phẫu để cắt và lấy ra một đoạn dây thần kinh cột sống đang phát triển của 154 phôi gà. Sau đó họ cấy tế bào gốc tạo huyết lấy từ tuỷ xương người vào vùng bị lấy dây thần kinh cột sống. Sau khi cấy, nhóm nghiên cứu tiếp tục cho ấp trứng cho đến khi phôi phát triển thành con, rồi lấy đoạn dây thần kinh có chứa tế bào tạo huyết ra để phân tích.

Kết quả cho thấy những tổn thương đối với não và dây thần kinh cột sống đang trong thời kỳ phát triển của phôi gà đã tự động phục hồi. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là quá trình tái tạo có kiểm soát trong cơ thể.

Giải thích về điều này, các chuyên gia cho rằng dường như cơ chế điều chỉnh nội tại của phôi thai đã tạo ra các tín hiệu điều khiển tế bào và làm chúng thay đổi lộ trình phát triển, biến thành tế bào thần kinh. Tế bào gốc của tủy xương cấy ghép vào trứng gà phát triển đầy đủ những đặc tính của chúng. Thành công của việc chuyển đổi này là 10%.

Nhóm nghiên cứu cho biết tế bào gốc tạo huyết ở người đã tạo thành một thể thống nhất với dây thần kinh đang phát triển ở 60% số phôi gà. Không hề có dấu hiệu đào thải tế bào lạ hay hiện tượng viêm nhiễm trong phôi gà, một hiện tượng thường thấy khi cấy ghép tế bào lạ vào một thực thể sống.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng người ta có thể tạo ra tế bào thần kinh bằng cách tạo ra tín hiệu tế bào giả giống với tín hiệu mà họ phát hiện được trong phôi gà, tạo ra nguồn tế bào để điều trị những bệnh thần kinh như chứng Parkinson.

Tiến sĩ Marie-Claude Perreault, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết khi bị tổn thương, mô ở da, xương và máu sẽ trải qua quá trình tự hồi phục. Thế nhưng, mô ở não và dây thần kinh cột sống không trải qua quá trình hồi phục này nên một khi đã bị tổn thương, tế bào thần kinh sẽ bị chết đi. Nguyên nhân là số lượng tế bào gốc trong não và dây thần kinh cột sống quá ít để có thể tạo ra cơ chế phục hồi tự nhiên. Chính vì thế nên các nhà khoa học từ lâu đã rất quan tâm đến việc tìm ra cách cấy ghép tế bào gốc vào não và dây thần kinh cột sống để thúc đẩy cơ chế tự hồi phục.

Các nhà khoa học cho rằng thành tựu này mở ra triển vọng sản xuất ra nhiều tế bào thần kinh từ chính tủy xương của người bệnh để điều trị các bệnh thần kinh.

Việt Linh (theo BBC)