Lao vú từ trước đến nay gần như không được nhắc đến, vì vậy những người mắc bệnh này thường bị chẩn đoán nhầm là ung thư. Các bác sĩ lo ngại rằng có thể rất nhiều phụ nữ đã bị cắt oan gò bồng đảo vì tưởng hạch lao là u ác tính.
Bác sĩ Trần Đình Thanh, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM cho biết, gần như chưa ai nói đến lao vú, kể cả y văn nước ngoài. Thế nhưng bệnh lại xuất hiện rải rác trong vài năm gần đây ở TP HCM. Từ năm 2001 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 30 ca và theo các chuyên gia, con số không dừng lại ở đây.
Bệnh thường có biểu hiện sốt, ớn lạnh, gầy và sụt cân. Tại vú có dấu hiệu sưng, u, rò ra thành ngực, loét da, rất dễ nhầm với áp xe hoặc ung thư. Theo bác sĩ Thanh, ít ai nghĩ rằng tuyến vú lại có thể bị lao. Do vậy, có khả năng nhiều bệnh nhân đã bị cắt bỏ vú vì lầm tưởng đây là u ác tính!
Cũng do cả bệnh nhân và thầy thuốc chưa biết đến lao vú, nên người mắc bệnh này thường được chữa trị nhiều nơi, kéo dài, vừa tốn tiền vừa vô ích. Nếu không điều trị kịp, bệnh sẽ gây co kéo làm mất thẩm mỹ vùng ngực, nặng hơn thì ăn sâu vào thành ngực, gây ra nhiều thể lao nặng khác. Theo bác sĩ Thanh, nếu có những dấu hiệu như trên, bệnh nhân cần được xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, đặc biệt là nếu họ sống ở vùng dịch tễ lao cao, có gia đình và đông con. Nếu phát hiện sớm, lao vú sẽ được điều trị khỏi hẳn bằng những loại thuốc chống lao thông thường.
Lao sơ nhiễm trẻ em có thể gây tử vong hoặc tàn tật
![]() |
Một ca tổn thương não do lao. |
Cháu Thường Xuân, 14 tháng tuổi, ngụ tại Thủ Đức TP HCM đang nằm tại khoa Nhi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng mê man, não úng thủy. Cách đây gần 3 tháng, cháu đột nhiên bị sốt, ho. Khi đến khám tại một bệnh viện nhi, cháu được chẩn đoán là viêm đường hô hấp trên và được cho thuốc về nhà điều trị. Ba tuần sau, bệnh chẳng những không hết mà còn kèm theo nôn ói. Trở lại bệnh viện, bác sĩ mới phát hiện Thường Xuân bị lao phổi. Tuy nhiên, do phát hiện trễ nên vi khuẩn lao đã gây viêm màng não. Cháu được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và giữa tháng 2.
Bác sĩ Trần Ngọc Đường, Trưởng khoa Nhi cho biết, đây là một trường hợp điển hình của bệnh lao sơ nhiễm (lao khởi đầu) ở trẻ em. Trẻ mắc lao sơ nhiễm thường có một trong các triệu chứng như sốt kéo dài, ho trên 2 tuần (có thể khò khè, dễ nhầm với viêm phế quản, hen), sụt cân, biếng ăn, đổ mồ hôi trộm. Do triệu chứng đơn giản nên người lớn (và ngay cả thầy thuốc!) cũng ít khi nghĩ rằng trẻ bị lao. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành các thể lao nặng hơn như lao màng não, lao phổi nặng cấp tính, lao xương (cột sống, khớp) khiến trẻ tử vong, hoặc có thể tàn tật, sống thực vật suốt đời.
Theo bác sĩ Đường, những trẻ suy dinh dưỡng không thể tiêm phòng lao từ nhỏ, trẻ sống trong gia đình có nguồn lây lao phổi hoặc bị suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, sau ban đỏ, điều trị bằng corticoide kéo dài)... cần đặc biệt cảnh giác với lao sơ nhiễm. Nếu thấy trẻ bị sốt, ho kéo dài thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị sớm.
(Theo Người Lao Động)
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.
▪ Ngày Thế giới và Giấc ngủ tại Trung Quốc (24/03/2005)
▪ 7 tuổi, nặng 20 kg - có suy dinh dưỡng không? (24/03/2005)
▪ Tại sao khi sốt, người vừa nóng vừa lạnh? (24/03/2005)
▪ Nên tập thể dục vừa phải (25/03/2005)
▪ Dân ASEAN nghiện thuốc lá nặng (25/03/2005)
▪ Bài thuốc từ quả cà (25/03/2005)
▪ Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh lao (25/03/2005)
▪ Răng miệng mẹ bẩn con dễ sinh non (24/03/2005)
▪ 6 bài thuốc từ cây rau sam (24/03/2005)
▪ Rối loạn ám sợ - chứng bệnh ai cũng có thể mắc (24/03/2005)