Bệnh nhân dương tính H5N1 đang nằm điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. |
Bệnh cảnh dịch cúm H5N1 trên người hiện nay khác so với năm 2004. Bệnh nhân đều bị tiêu chảy; thời gian ủ bệnh dài hơn, trước đây 2, 3 ngày thì nay cả tuần, thậm chí 15 ngày kể từ khi tiếp xúc nguồn lây nhiễm.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cơ sở điều trị cho các bệnh nhân dương tính H5N1, khẳng định như vậy tại Hội nghị giao ban phòng chống dịch các tỉnh phía Nam diễn ra ngày 19/1.
Theo ông Hiền, các ca bệnh đều nhập viện muộn, khoảng 5-7 ngày do chuyển từ tỉnh lên. Tỷ lệ tử vong hiện nay là 5 trên 6 người, và bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đang trong tình trạng nguy kịch, và khả năng sống sót là rất thấp.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền cho hay, đã có thêm một bệnh nhân nhập viện chiều 18/1trong tình trạng sốt, ho, tổn thương phổi dù vẫn còn tỉnh. Bệnh nhân tên T.D, 35 tuổi, ngụ tại An Giang Tuy nhiên, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với H5N1. Trước đó, T.D có làm thịt và ăn gà rù. |
Có một số yếu tố dịch tễ tương tự các ca năm ngoái: bạch cầu thấp, nồng độ bão hoà oxy thấp, nhiễm trùng thứ cấp gây tử vong... Phác đồ điều trị năm nay chưa thay đổi: sử dụng Tamiflu kèm chế độ hồi sức hô hấp, kháng sinh.
Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, TS. Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, không thể xác định được nhóm đối tượng nguy cơ cao do cơ chế lây truyền rất mơ hồ. Thậm chí không tiếp xúc gia cầm bệnh, chỉ tắm trên dòng kênh có vịt thả cũng có nguy cơ lây nhiễm.
TS. Kim Tiến khẳng định vẫn chưa xác định được cơ chế nhiễm bệnh từ gia cầm, thủy cầm sang người, chỉ kết luận virus H5N1 hiện lây bằng đường hô hấp, nguồn truyền bệnh chính gốc là gia cầm, thuỷ cầm bị bệnh. Ở gà có thể nhận biết dễ dàng khi có hiện tượng rù, chết. Tuy nhiên, con vịt không có biểu hiện bệnh rõ rệt như gà, dù vẫn mang trong mình virus cúm, có thể lây bệnh cho người bất cứ lúc nào.
Bà Tiến cho rằng, hiện vùng ĐBSCL vẫn duy trì tập quán nuôi vịt thả đồng, bơi lội trong nước. Dịch tiết ra của vịt và phân trực tiếp hoà vào môi trường sông nước, kênh, rạch. Dân thì vẫn tắm rửa, giặt giũ quần áo, rửa đồ ăn nên nguy cơ lây lan bệnh có thể là rất cao.
"Đã có trường hợp khảo sát gia đình một bệnh nhân thấy không nuôi gia cầm, thuỷ cầm, không giết mổ, xung quanh không có gà chết bệnh nên cũng phải nghĩ và nghiên cứu xem có phải do trẻ đi tắm sông, nhiễm bệnh từ phân, dịch của vịt bệnh không", bà Tiến nói.
Trong khi nguồn lây kể trên khá mơ hồ, thì người nhà bệnh nhân, nhân viên thú y, cán bộ y tế, những đối tượng tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với các ca dương tính và nguồn lây bệnh, kết quả phết họng và huyết thanh đều âm tính. Nghiên cứu "cụm nhiều ca" là hai chị em ruột sống cùng nhà, có cùng triệu chứng, bệnh cảnh: suy hô hấp nặng, tử vong cách nhau 1 tuần, chỉ có 1 người dương tính H5N1. Do đó, không có cơ sở chắc chắn để khoanh vùng và cách ly điều trị các đối tượng nguy cơ cao. Bà Tiến khẳng định chưa có bằng chứng về mối lo ngại bệnh lây từ người sang người.
Lê Nhàn
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ 11 cách dùng tỏi phòng chống cúm (19/01/2005)
▪ Thảo dược chữa được chứng nghiện rượu (19/01/2005)
▪ Càng bổ sung nhiều đường, càng ít... khỏe (19/01/2005)
▪ Bà mẹ cao tuổi nhất thế giới (19/01/2005)
▪ VN sẽ sản xuất văcxin phòng cúm H5N1? (19/01/2005)
▪ Biến đổi gien có thể gây bệnh Parkinson (19/01/2005)
▪ Cách dùng tỏi phòng chống cúm (19/01/2005)