Thực phẩm chức năng: Phổ biến kiểu quảng cáo thổi phồng!
Các Website khác - 17/12/2004

Lần đầu tiên một hội thảo về vấn đề quản lý kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - ATVSTP (Bộ Y tế) tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội. Mặc dù đã có hai văn bản liên quan đến việc quản lý TPCN nhưng việc phân định sản phẩm thực phẩm thuốc, TPCN, thực phẩm bổ sung các vi chất dinh dưỡng còn chưa rõ ràng.


Tại hội thảo, một số công ty đã lập tức phân phát đến tận tay đại biểu các tờ rơi giới thiệu một số sản phẩm với những tính năng "kỳ diệu". Một sản phẩm được giới thiệu là chế biến từ các sinh vật biển thiên nhiên với hàng loạt công dụng, cho mọi giới "tráng cốt cường cơ, tư âm bổ dương, trấn tĩnh thần kinh, chống lão hóa, chống mệt mỏi, làm sáng mắt, dễ lành vết thương. Đồng thời còn làm da dẻ mượt mà, kinh nguyệt điều hòa, nhuận sắc toàn diện, cân bằng toàn thân, tạo dáng vẻ trẻ trung, nhanh nhẹn cho phái nữ"! Sản phẩm khác được giới thiệu với hàng loạt công dụng: "Hỗ trợ trong điều trị một số bệnh về: thận (viêm, suy thận, tiểu đêm nhiều, đau lưng, di tinh), gan (viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ), phổi (viêm phổi, viêm phế quản, sưng phổi, hen suyễn), tim mạch (loạn nhịp tim, huyết áp cao thấp), tác dụng khống chế các tế bào ung thư"... Với giá bán trung bình 21 - 35 USD/lọ (hoặc hộp), người giới thiệu cho biết: "Giá bán đắt vì nó rất quý hiếm"!

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Đăng ký cấp chứng nhận (Cục ATVSTP): "Các vi phạm hiện nay là các thông tin trong quảng cáo, ghi nhãn của TPCN. Vi phạm chủ yếu là thổi phồng công dụng và hướng dẫn sử dụng sai với sự công bố của nhà sản xuất đã được phê chuẩn, chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền nước xuất xứ. Việc không ghi nhãn là thực phẩm sẽ gây ra sự ngộ nhận cho người tiêu dùng thiếu hiểu biết về công dụng của sản phẩm. Hướng dẫn sai liều dùng gấp vài lần để có tác dụng như thuốc điều trị cấp tính có thể làm người bệnh phải thiệt hại về tiền bạc".

Bên cạnh việc quảng cáo quá lố, việc đẩy giá bán lên quá cao bởi hình thức kinh doanh qua mạng cũng là vấn đề được đề cập. Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Lê Nhân Tuấn cho biết, hiện tượng người tham gia kinh doanh đa cấp tự ý "nhập thấp, bán cao" là không cá biệt. Ông nhấn mạnh yêu cầu: các tài liệu mà công ty đa cấp dùng tập huấn cho các nhân viên phải qua cơ quan y tế duyệt nội dung. Cơ quan kinh doanh phải có trách nhiệm quản lý để nhân viên không quảng cáo quá nội dung cho phép và bán giá đúng quy định.

Theo TS Bùi Minh Đức - Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam: "TPCN, thực phẩm thuốc khác với thức ăn phổ biến thông dụng. Cơ quan chức năng cần làm rõ thế nào là thực phẩm thuốc, TPCN. Vì nếu là thức ăn thuốc thì sản phẩm phải đảm bảo độ chính xác cao về đặc tính khoa học kỹ thuật y dược cũng như liều lượng trong chế biến. Tại Mỹ, khi sử dụng thực phẩm thuốc phải được bác sĩ kê đơn".

Liên Châu