Thuốc kém chất lượng chậm được thu hồi
Các Website khác - 22/12/2004
Thuốc kém chất lượng đang được Sở Y tế TP HCM giữ, chờ tiêu hủy.

Phải mất nhiều ngày kể từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng đến lúc được thông báo rộng rãi và thu hồi. Qui trình này có khi kéo dài cả tháng. Trong thời gian đó, thuốc kém chất lượng đã nhanh chóng đến các quầy bán lẻ để xâm nhập thị trường tiêu dùng.

Thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi có thông báo rộng rãi là khá dài. Ngay tại TP HCM, từ lấy mẫu đến lúc có kết quả kiểm nghiệm đã mất 3-7 ngày, giai đoạn từ trình lên sở đến khi sở có quyết định đình chỉ lưu hành là khoảng 15 ngày. Sau đó, mẫu kiểm nghiệm và công văn được gửi ra Cục Quản lý dược, mất chừng 15 ngày, có khi tới 1 tháng nữa mới có thông báo đình chỉ từ cục. Và phải mất thêm khoảng một tuần nữa, thông báo đó mới về đến Sở Y tế.

Trong các thông báo đình chỉ chất lượng, Cục Quản lý dược đều có yêu cầu cơ sở sản xuất, nhà phân phối phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở buôn bán hoặc sử dụng thuốc, đồng thời thu hồi toàn bộ lô thuốc kém chất lượng. Nhưng trên thực tế, việc thu hồi ở mức độ nào, thuốc còn tiếp tục lưu hành trên thị trường hay không... thì không thể kiểm soát.

Nhiều nhà bán sỉ không ra hóa đơn nên không thể biết thuốc đó người mua mang đi đâu, về đâu. Đối với các loại thuốc kém chất lượng do Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi, các đơn vị không báo cáo với sở y tế địa phương về việc thực hiện quyết định. Điều này mặc nhiên vô hiệu hóa trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc của các sở y tế.

Công an TP HCM từng phối hợp với Sở Y tế thanh tra đột xuất 3 cửa hàng kinh doanh dược tại Trung tâm bán sỉ quận 10. Khi lấy mẫu kiểm nghiệm, tất cả chín mẫu thuốc Multivitamin của Xí nghiệp Dược phẩm 30 thuộc Công ty Đầu tư miền Đông sản xuất đều không đạt chất lượng. UBND thành phố đã ra quyết định phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng, buộc cơ sở phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ thuốc Multivitamin kém phẩm chất.

Tuy nhiên, thuốc được tung ra thị trường từ tháng 4. Ngoài hai nơi phân phối chủ yếu là hiệu thuốc số 35 và hiệu thuốc số 38 (Trung tâm bán sỉ quận 10), chúng còn được đưa đi bán ở các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định. Các báo cáo thu hồi ngày 20/9 cho thấy tổng số lượng bán ra là 551.600 viên, nhưng thu hồi chỉ 30.970 viên. Có nghĩa trên 500.000 viên Multivitamin kém chất lượng đã được tiêu thụ.

Một cán bộ quản lý chuyên ngành cho biết, Đông dược nhập lậu đang bán tràn lan, không thể biết đâu là thuốc tốt, đâu là thuốc kém chất lượng. Các thuốc kích dục, giảm béo... đã bị nước ngoài cấm lưu hành cũng có thể tuồn vào thị trường. Theo qui định, thuốc nhập lậu phải bị tịch thu, nhưng với Đông dược nhập lậu không thể tịch thu vì “lý do tế nhị”. Nếu lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện thuốc kém chất lượng thì ai đứng ra thu hồi?

Còn nhiều kẽ hở trong quản lý và thực chất không ai chịu trách nhiệm chính để giám sát việc thu hồi khẩn cấp và triệt để các thuốc kém chất lượng. Khi Sở Y tế có quyết định đình chỉ lưu hành, sở sẽ gửi thông báo này ra Cục Quản lý dược; nhưng có khi không thấy phản hồi, không biết cục có ra quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc hay không. Có trường hợp thuốc chỉ bị đình chỉ lưu hành cục bộ trên một địa bàn nào đó, còn ở các nơi khác vẫn bán.

Các thông báo đình chỉ lưu hành thuốc thường không nêu rõ nhà thuốc, hiệu thuốc đang có mặt hàng bị đình chỉ lưu hành sẽ phải giao nộp cho ai, ở đâu, có được hoàn tiền hay không... Và như vậy, chuyện thu hồi chỉ là trên văn bản.

(Theo Tuổi Trẻ)