Thuốc lá - kẻ thù của mạch máu
Các Website khác - 30/04/2005
Hoại tử chân do thuốc lá.

Anh Trần Văn Sơn người Kiên Giang đi cấp cứu trong tình trạng xuất hiện các điểm hoại tử khô trên ngón tay và chân, vài chỗ mủ chảy ra rất hôi. Các bác sĩ cho biết anh bị viêm tắc động mạch mạn tính do hút thuốc lá.

Lời khuyên đầu tiên đưa ra là bệnh nhân phải lập tức bỏ thuốc lá. Nhưng chỉ được vài ngày, khi vết mổ tạm lành, các cơn đau dịu dần là bệnh nhân lại tiếp tục hút thuốc. Kết quả là anh Sơn bị cắt cụt hai chân, còn hai bàn tay cũng đang bị đe dọa phải cắt bỏ.

Bệnh viêm tắc động mạch mạn tính phát sinh do tình trạng viêm nhiễm nặng nề 3 lớp thành động mạch và các tĩnh mạch đi kèm, gây di chứng hoại tử chi, phải cắt bỏ. Buerger là một loại viêm tắc động mạch hầu như chỉ xảy ra với nam giới nghiện thuốc lá. Bệnh nhân thường dưới 45 tuổi. Nghiện và không bỏ được thuốc lá là nguyên nhân làm bệnh rất khó khỏi mặc dù được điều trị tích cực.

Đau là triệu chứng quan trọng nhất là biểu hiện đầu tiên của tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng chi. Lúc đầu, bệnh nhân có tình trạng đau cách hồi, như chuột rút ở bắp chân, xuất hiện khi đi lại nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Về sau, bệnh nhân đau liên tục không chịu nổi, đau nhiều về đêm, có khi lâm vào tình trạng trầm cảm vì đau đớn.

Sau giai đoạn cấp là giai đoạn hình thành các mạch máu bàng hệ, đó là các nhánh nối bắc cầu của chính cơ thể. Người bệnh giảm hoặc hết đau nhức, tím tái đầu chi và bệnh có thể tự lành. Tuy nhiên, chu kỳ lành bệnh này có thể bị phá vỡ nếu bệnh nhân tiếp tục hút và gia tăng mức độ hút thuốc lá. Bệnh sẽ tiến triển theo xu hướng nặng dần, khoảng cách giữa các lần lành bệnh ngắn lại, thời gian đau kéo dài ra và tỷ lệ tử vong trong vòng 10 năm tăng gấp 3 người bình thường, nguy cơ phải cắt cụt chân lên đến trên 20%.

Bệnh Buerger hiện được điều trị bằng cả nội và ngoại khoa. Liệu pháp nào cũng chỉ có hiệu quả nếu bệnh nhân bỏ hẳn thuốc lá. Điều trị nội khoa bao gồm nằm nghỉ tại giường, hạn chế tối đa vận động, dùng thuốc giảm đau (thường không hiệu quả), săn sóc vết thương tại chỗ, dùng các thuốc giãn mạch và làm loãng máu. Điều trị ngoại khoa (cắt thần kinh giao cảm, phẫu thuật bắc cầu động mạch) là giai đoạn tiếp theo, nhưng rất khó thực hiện và không hiệu quả, gần như cuối cùng đều đưa đến cắt cụt chân.

Viêm tắc động mạch do xơ vữa cũng là hậu quả của thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ lớn nhất gây xơ vữa động mạch. Việc giảm hoặc bỏ hẳn thuốc lá sẽ làm giảm rõ ràng nguy cơ phát triển bệnh này. Các nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy, người hút một gói thuốc mỗi ngày có nguy cơ nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành tăng 3-5 lần. Tỷ lệ tổn thương xơ vữa của động mạch vành cũng tăng lên đáng kể ở những phụ nữ trên 35 tuổi có sử dụng thuốc ngừa thai và hút thuốc. Cơ chế gây bệnh chính của thuốc lá là gây nhiễm độc trực tiếp trên lớp nội mạc động mạch do việc tạo thành các chất ôxy hóa.

Bệnh nhân bị tắc động mạch do xơ vữa thường trên 50 tuổi, tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân còn khá trẻ. Trong các mạch máu bị tổn thương có cả các động mạch lớn. Chúng dễ bị phình hoặc bóc tách - một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Các tổn thương khác có thể xảy ra là tắc động mạch vành, tắc động mạch tạng gây hoại tử ruột (có khi phải cắt toàn bộ ruột non và ruột già), tắc động mạch thận làm nặng thêm tình trạng cao huyết áp có sẵn.

Ngoài ra, hút thuốc lá còn là một trong những nguyên nhân chính của tai biến mạch máu não.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)