Tiêm thuốc vào tĩnh mạch có thể gây sốc
Các Website khác - 18/04/2005

Thuốc tiêm tĩnh mạch đi thẳng vào máu nên có tác dụng nhanh, nhưng cũng dễ gây sốc và tử vong hơn các đường dùng khác. Có bệnh nhân từng bị cao huyết áp được bác sĩ cho tiêm truyền moriamin và sau đó phải đi cấp cứu vì huyết áp lên quá cao.

Đưa thuốc vào cơ thể qua đường tiêm tĩnh mạch là biện pháp thường dùng tại các cơ sở y tế nhằm đạt hiệu quả điều trị nhanh. Nhờ quá trình tuần hoàn máu, thuốc đến đích tác dụng. Nếu đưa thuốc bằng truyền tĩnh mạch liên tục thì nồng độ thuốc trong máu được coi là ở trạng thái hằng định trong suốt quá trình tiêm truyền.

Lợi ích điều trị khi sử dụng thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng chính vì đưa thuốc trực tiếp vào hệ tuần hoàn nên đây là đường dùng thuốc có tỷ lệ rủi ro cao. Vì vậy, đưa thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch chỉ được tiến hành tại các cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu theo quy định, và phải được thực hiện bởi nhân viên y tế đã qua đào tạo.

Hiện nay một số phòng mạch tư nhân hay sử dụng thuốc bằng đường tiêm tĩnh mạch để thu lợi nhuận cao hơn. Việc lạm dụng tiêm tĩnh mạch trong những điều kiện không đảm bảo đã khiến nhiều người phải gánh chịu những thiệt hại về sức khỏe và tiền bạc. Các thầy thuốc tư thường thực hiện tại nhà các dịch vụ như truyền đạm hoặc tiêm vitamin C qua tĩnh mạch cho đẹp da. Điều này có thể gây những tai biến nghiêm trọng do không tuân thủ các quy định về vô khuẩn và không theo dõi người bệnh trong suốt quá trình dùng thuốc.

Không phải thuốc nào cũng có thể đưa qua đường tĩnh mạch. Vì vậy, việc chuẩn bị đúng thuốc, thực hiện đúng quy định kỹ thuật hòa tan, pha loãng và chuẩn bị liều dùng phù hợp là đặc biệt quan trọng, có tính quyết định đối với sự an toàn của người dùng thuốc. Không được tự ý pha lẫn những loại thuốc khác nhau trong cùng một bơm tiêm để tránh các tương kỵ hóa học mà nhiều khi mắt thường không nhìn thấy được.

Sử dụng dụng cụ phù hợp và đảm bảo vô khuẩn là yêu cầu bắt buộc khi đưa thuốc qua đường tĩnh mạch. Đối với tiêm truyền liên tục, cần theo dõi chặt chẽ quá trình đưa thuốc vào cơ thể để phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường, đề phòng thâm nhiễm thuốc tại khu vực truyền. Không nên cắm kim truyền xong là dặn người nhà theo dõi, có gì bất thường mới báo cho y tá. Đã có những bệnh nhân nằm viện với cánh tay bầm tím do thâm nhiễm thuốc tại khu vực tiêm truyền, hoặc vỡ mạch do không được theo dõi chu đáo trong quá trình truyền thuốc.

Những người có cơ địa dị ứng cần hết sức thận trọng khi có chỉ định tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch vì họ dễ chịu các phản ứng có hại của thuốc. Nguy kịch nhất là các trường hợp sốc phản vệ, có thể gây tử vong ngay khi vừa đưa thuốc vào mạch máu. Nhiều khi những phản ứng có hại của thuốc không phải do hoạt chất chính gây ra, mà do các tá dược hoặc chất bảo quản. Chẳng hạn, metabisulfit là một chất bảo quản tạo nên độ ổn định của thuốc, nhưng lại có thể gây kích ứng cho bệnh nhân hen. Thậm chí một số người không dị ứng với thuốc mà lại dị ứng với chất nhựa là vỏ đựng của chai thuốc đó.

Các đường dùng thuốc đều có thể gây dị ứng hoặc sốc phản vệ, nhưng với việc đưa thuốc qua đường tĩnh mạch thì nguy cơ này được đặt lên hàng đầu vì có thể xảy ra ngay tức khắc với mức độ rất trầm trọng, thậm chí không hồi phục và gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, mọi trường hợp đưa thuốc bằng đường này đều phải có hộp thuốc cấp cứu thường trực bên cạnh. Trước khi sử dụng thuốc, phải khai thác tiền sử dị ứng của người bệnh và làm thử nghiệm loại thuốc sẽ dùng.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)