Từ mai bệnh nhân BHYT không phải đóng viện phí
Các Website khác - 30/06/2005
Vẫn còn vướng mắc trong chi trả bảo hiểm y tế cho các dịch vụ kỹ thuật cao.

Ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng vụ Điều trị Bộ Y tế khẳng định, thông tư hướng dẫn nghị định mới về bảo hiểm y tế sẽ được ban hành chậm nhất vào ngày 1/7. Dù văn bản này ra đời không kịp thì từ ngày mai, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế vẫn sẽ được thanh toán 100% viện phí.

Cả người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và các bệnh viện công đều mong chờ ngày 1/7, thời điểm nghị định 63/2005/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, vì văn bản này đã mở rộng thêm nhiều quyền lợi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đến chiều 30/6, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được thông tư hướng dẫn chi tiết việc thi hành nghị định này. Ông Kính cho biết, qua rất nhiều cuộc họp, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội vẫn chưa thể thống nhất với nhau về mức trần kỹ thuật cao và tỷ lệ cùng chi trả. Theo nghị định, với các dịch vụ kỹ thuật cao và chi phí lớn, bệnh nhân BHYT sẽ không được miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng chưa xác định được thế nào là dịch vụ chi phí lớn, và tỷ lệ bệnh nhân phải trả là bao nhiêu. Do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội chưa thể đi đến thỏa thuận nên vấn đề này sẽ do Chính phủ quyết định.

Ông Kính cho biết, thông tư hướng dẫn có thể ra tối nay hoặc trong ngày mai. Tuy nhiên, dù thông tư có kịp ban hành trước 1/7 hay không, nghị định vẫn được triển khai đúng thời điểm có hiệu lực. Từ ngày mai, bệnh nhân sẽ không phải cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh nữa. Với các dịch vụ kỹ thuật cao (chẳng hạn như can thiệp tim, chẩn đoán hình ảnh...), việc thanh toán sẽ tạm thời gác lại cho đến khi có quy định cụ thể.

Về phía các bệnh viện, đa số lãnh đạo đều cho rằng quy định mới về bảo hiểm y tế mang lại thuận lợi cho cả cơ sở y tế và bệnh nhân. Giáo sư Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia tâm sự, trước đây, Nhà nước quy định bệnh nhân phải cùng thanh toán 20% để tránh tình trạng lạm dụng thẻ bảo hiểm và tạo sự công bằng giữa người sử dụng dịch vụ ít và người sử dụng nhiều. Tuy nhiên, điều này đã kéo theo các thủ tục rườm rà, khiến nhân viên y tế đã bận càng bận thêm, và người bệnh cũng rất khó chịu. Nay nguồn thanh toán được quy về một mối, các thủ tục sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Tuy nhiên, giáo sư Năm cho rằng, để bệnh nhân thực sự được hưởng lợi, phía bảo hiểm nên rộng tay hơn trong việc lập danh mục thuốc và dịch vụ; vì lâu nay số tiền được thanh toán đều chẳng thấm vào đâu so với số thực chi, trong khi chi phí điều trị một số bệnh, trong đó có bỏng, rất lớn, bệnh nhân nghèo sẽ không thể gánh nổi.

Bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM cũng hoan nghênh việc BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh vì chỉ phải làm 1 hóa đơn thay vì 2 như trước kia. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, trong quá trình thực hiện thể nào cũng có vướng mắc do chưa có sự thông hiểu giữa BHYT và bệnh viện. Vì thế, cần có sự gặp gỡ bàn bạc giữa hai bên.

Còn bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM lại băn khoăn rằng nếu bệnh nhân BHYT được quyền chọn nơi khám chữa bệnh như quy định mới thì bệnh viện sẽ thêm phần quá tải. Ngược lại, giáo sư Nguyễn Mạnh Phan, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất lại cho rằng việc để bệnh nhân chọn lựa sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở y tế khẳng định uy tín và chất lượng của mình. Khi ấy, bệnh nhân sẽ chỉ đến nơi nào đáng tin cậy mà thôi.

Một trong những điểm mà các bệnh viện chưa rõ là khoán chi. Ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội, giải thích, trong hình thức thanh toán này, bảo hiểm sẽ dựa vào số đầu thẻ mà bệnh viện đăng ký phục vụ để chi trả theo hai bước tạm ứng và quyết toán. Như vậy, các bệnh viện sẽ chủ động hơn về tài chính và giảm bớt thủ tục phiền hà với phía bảo hiểm.

Vấn đề đặt ra là nếu bệnh nhân đã đăng ký ở bệnh viện này nhưng phải chuyển tuyến hoặc do hoàn cảnh phải đến khám ở bệnh viện khác thì quyền lợi của họ có được giữ nguyên? Ông Khương khẳng định, bệnh nhân không cần lo lắng đến việc chi trả vì phía bảo hiểm sẽ trực tiếp làm việc cụ thể với các bệnh viên liên quan. Ví dụ: Bệnh nhân đi khám ở bệnh viện A - nơi đăng ký ban đầu; song vì nguyên nhân nào đó phải chuyển sang bệnh viện B thì khi đó, phía bảo hiểm sẽ thanh toán cho B những dịch vụ mà người bệnh đã sử dụng, sau đó quay lại trừ hạch toán với bệnh viện A. Theo ông Khương, cách làm này giúp người bệnh thuận tiện hơn trong việc hưởng quyền lợi của mình và chất lượng khám chữa bệnh sẽ không bị ảnh hưởng.

Thanh Lan