Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia y tế Việt Nam khi nhận được thông tin về ca lây H5N1 giữa 2 mẹ con người Thái Lan. Họ cho rằng chỉ khi xuất hiện loại virus biến chủng có khả năng lây từ người sang người với tỷ lệ và tốc độ cao thì mới gây đại dịch, mà điều này lại chưa xảy ra.
Ông Trịnh Quân Huấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS, cho biết, việc khẳng định ca lây nhiễm H5N1 từ người sang người đầu tiên làm xuất hiện mối lo về nguy cơ bệnh lan truyền thành dịch lớn. Tuy nhiên, cái đáng lo lắng nhất là virus biến đổi thành một chủng mới lây truyền rất nhanh từ người sang người. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ có đại dịch lớn với tốc độ lan truyền khủng khiếp khiến hàng triệu người tử vong. Nhưng thực tế loại virus H5N1 đang lưu hành vẫn là chủng virus cũ của năm ngoái. Vì vậy nếu có lây từ người sang người thì tỷ lệ lây lan vẫn thấp.
Ông Nguyễn Trần Hiển, quyền Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đồng tình với nhận định trên. Ông cho biết, loại virus H5N1 đang lưu hành mà Viện phân lập được có cấu trúc giống chủng virus năm ngoái hơn 99%. Nghĩa là vẫn chưa xảy ra việc virus biến đổi thành một chủng mới lây nhanh từ người sang người như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo. Việc lây truyền người - người như hiện nay chỉ là lây cơ học; chẳng hạn khi một người bình thường đứng gần người bệnh có thể hít phải virus vào người, nhưng hiếm khi virus ít khả năng làm họ phát bệnh và tiếp tục lây cho người khác. Vì vậy, tuy vẫn phải hết sức cảnh giác nhưng không nên quá hoang mang về đường lây này.
Tuy nhiên, ông Trịnh Quân Huấn cũng bày tỏ lo ngại về việc bệnh cúm B đang xuất hiện rải rác ở một số địa phương phía Bắc từ đầu mùa đông đến nay. Không thể loại trừ khả năng virus cúm B kết hợp với virus cúm A trên cùng một người bệnh để biến thành một chủng mới nguy hiểm, có thể gây đại dịch.
Tại buổi họp giao ban về cúm A chiều nay, ông Huấn cho biết Việt Nam đã có 10 ca cúm A H5N1 được phát hiện, 9 người đã tử vong. Ca bệnh được xác định gần nhất là B.T.T, người Bạc Liêu, tử vong ngày 14/1. Trường hợp anh Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Bình) tuy xét nghiệm ban đầu dương tính với H5N1 nhưng để có thể khẳng định thì phải làm thêm những xét nghiệm khác. Sau khi phát hiện 2 người anh của bệnh nhân này nhiễm H5N1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã về quê họ (xã Nam Cao, Kiến Xương) kiểm tra và nhận thấy ở đây đã có hiện tượng gia cầm chết rải rác từ tháng 12, nhưng cơ quan thú y không biết và người dân cũng không chú ý.
Ông Huấn cũng cho biết, việc nâng cấp các phòng xét nghiệm bệnh phẩm đang là đòi hỏi khẩn cấp. Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ nhanh chóng đầu tư xây dựng phòng xét nghiệm cấp 3 ở các địa phương nhằm tăng khả năng phát hiện bệnh, và lập phòng xét nghiệm cấp 4 ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để lưu trữ an toàn các mẫu virus nguy hiểm, tránh việc virus thoát ra ngoài gây dịch, điều đã xảy ra ở một số nước.
Về điều trị, ông Trịnh Quân Huấn cho rằng không nên dùng Tamiflu để dự phòng cúm A như các khuyến cáo trước đây. Theo ý kiến của hãng sản xuất và nhiều nhà nghiên cứu, thuốc này không có nhiều tác dụng khi dùng với mục đích dự phòng. Kinh nghiệm thực tế tại Việt nam cũng cho thấy như vậy. Tuy nhiên, Tamiflu tỏ ra rất hiệu quả nếu được dùng điều trị trong 48 giờ đầu phát bệnh do khả năng ức chế virus H5N1. Nếu sau thời điểm này mới dùng thuốc thì hầu như không có tác dụng.
Điều mà các chuyên gia và nhà quản lý y tế lo lắng nhất chính là khâu dự phòng dịch bệnh. Ông Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, việc phun thuốc vào gia cầm tại các trạm kiểm dịch hiện nay không có ý nghĩa gì ngoài việc làm an lòng người dân. Virus H5N1 sống cả trong cơ thể gà, nhất là vùng họng, trong khi thuốc chỉ được phun bên ngoài. Và như vậy là gà bệnh có thể lưu hành từ vùng dịch sang vùng không có dịch. Ông Liêm đề nghị ngành thú y nghiên cứu một cách làm hiệu quả hơn.
Giáo sư Hoàng Thủy Long, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, bày tỏ sự lo lắng về sự chủ quan của người dân đối với dịch cúm A. Do bệnh này không lây lan nhanh như SARS mà chỉ xuất hiện rải rác nên họ không thấy cúm A là nguy cơ trực tiếp đối với mình, vẫn vô tư lưu trữ và ăn thịt gà ốm, chơi đá gà. Ông Trịnh Quân Huấn cho biết trò chơi này là một nguy cơ lớn vì người chơi hay dùng miệng hút đờm dãi cho con gà của mình. Trong số bệnh nhân H5N1 đã tử vong năm nay, có một người nhiễm bệnh do chơi đá gà. Vì vậy, Thứ trưởng Liêm đã chỉ đạo cấm trò chơi này ở các vùng dịch.
Giáo sư Thủy Long cũng đề xuất chuyển Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ra khỏi khuôn viên bệnh viện Bạch Mai. Theo ông, không thể an lòng được khi một nơi điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lại nằm giữa trung tâm y tế lớn nhất miền Bắc với 2.000 giường. Không biết điều gì sẽ xảy ra khi có đại dịch và hàng trăm bệnh nhân SARS hoặc H5N1 được chuyển về đây. Đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Liêm hứa sẽ nghiên cứu và đề nghị chuyển Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ra ngoài trong tương lai.
Thanh Nhàn
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Làm đẹp cuối năm: đầy rủi ro và tốn kém (26/01/2005)
▪ Vị thuốc từ cây hoa thủy tiên (27/01/2005)
▪ Phạt cơ sở dùng đường hóa học sản xuất nước giải khát (27/01/2005)
▪ Chưa có hiện tượng biến chủng vi-rút H5N1 tại Việt Nam (27/01/2005)
▪ Trà uống liền có thể làm nhức xương (27/01/2005)
▪ 4 bài thuốc từ sen (27/01/2005)
▪ Virút H5N1 có thể lây nhiễm từ người sang người (26/01/2005)