VN sẽ phải siết chặt các quy định về thuốc lá
Các Website khác - 01/12/2004
Thuốc lá rút ngắn cuộc đời bạn.

Vào năm tới, khi công ước khung kiểm soát thuốc lá có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp giảm sử dụng thuốc lá, như bắt buộc in lời cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc với diện tích ít nhất bằng 1/3 bề mặt vỏ bao.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có quyết định phê chuẩn Công ước khung kiểm soát thuốc lá ngày 11/11. Tổ chức Path Canada cho biết, đến ngày 30/11, đã có đủ 40 nước phê chuẩn Công ước khung kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Peru là nước thứ 40. Như vậy, đã đủ điều kiện để công ước có hiệu lực (sau 90 ngày nữa). Những quốc gia phê chuẩn sớm sẽ được tham dự hội nghị các nước thành viên FCTC đầu tiên để họp bàn, đưa ra những quyết định quan trọng đối với việc thực hiện công ước khung. Việt Nam không lọt vào danh sách 40 nước đầu tiên như dự định do không kịp tiến hành các thủ tục đối ngoại.

Công ước khung về kiểm soát thuốc lá được 192 thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua ngày 21/5/2003. Đây là hiệp ước y tế công cộng đầu tiên trên thế giới. Sau khi trở thành thành viên của FCTC, Việt Nam sẽ phải thực hiện các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá, bao gồm cấm toàn diện việc quảng cáo, tiếp thị và khuyến mãi thuốc lá, cấm sử dụng các từ ngữ đánh lừa hoặc dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng (như nhẹ, êm, nồng độ hắc ín thấp). Ngoài ra, khi tham gia FCTC, Việt Nam cũng phải tăng cao thuế và kiểm soát chặt chẽ việc buôn lậu thuốc lá, thành lập các khu vực công cộng hoặc nơi làm việc không thuốc lá; không bán thuốc lá cho trẻ em và không sử dụng trẻ em trong việc bán mặt hàng này..

Hiện thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam. WHO dự báo với tỷ lệ hút thuốc hiện nay, ước tính khoảng 10% dân số sẽ chết vì thuốc lá. Số tiền tiêu phí vào mặt hàng độc hại này mỗi năm là hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương 200.000 chiếc xe máy dream hoặc 1,6 triệu tấn gạo, đủ nuôi hơn 1/8 dân số trong vòng 1 năm.

Trên quy mô toàn cầu, thuốc lá được WHO xếp vào hàng thứ 4 trong số 10 nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe, với khoảng 4,9 triệu ca tử vong mỗi năm. Nếu không có biện pháp can thiệp, con số này có thể lên đến 10 triệu vào năm 2030; trong đó 70% số thiệt hại sẽ thuộc về các nước đang phát triển.

Thanh Nhàn