Ánh sáng cho trẻ em mù ở Tây Tạng Sabriye Tenberken (34 tuổi) người Đức bị mù từ năm 12 tuổi. Người phụ nữ này không những vượt lên khó khăn của chính bản thân mình, mà còn lặn lội đến Tây Tạng mở trường dạy chữ cho trẻ em có hoàn cảnh tương tự.
Trung tâm đào tạo dành cho người khiếm thị được mở tại Lhasa (thủ phủ Tây Tạng) đã thu hút được 76 trẻ em mù đến học. Tại đây, học sinh được học tiếng Hoa, tiếng Anh, học nghề và cả học sử dụng máy vi tính. Bên cạnh đó, trường còn dạy trẻ em mù biết tự tin vào bản thân, hoà nhập vào cộng đồng. Yudon (18 tuổi), bị mù từ 13 năm nay, nói tiếng Anh khá chuẩn. "Trước khi em đến trường, em không nghĩ gì đến tương lai. Nhưng sau đó, em đã dần xây dựng được tương lai cho mình" - cô nói.
Người mù ở Tây Tạng phải chịu nhiều thiệt thòi, vì quan niệm cho rằng họ phải chịu sự trừng phạt theo thuyết nhân quả. Vì vậy, không chỉ người mù cảm thấy tủi hổ mà gia đình họ cũng bị dè bỉu. Tenberken đã cố gắng phá vỡ suy nghĩ cổ hủ này và giờ đây, chị trở thành một người khá nổi tiếng ở Tibet. "Người ta tò mò đến đây xem trẻ em chạy nhảy, nô đùa, nói ba thứ tiếng và gõ máy tính rào rào. Người ta tự rút ra kết luận là một khi trẻ em mù đã cười nói hạnh phúc như thế thì đó không phải là hình phạt" - chị nói.
Tenberken nghiên cứu Tây Tạng học tại Đại học Tổng hợp Bonn. Tại đây, chị đã tạo ra cách viết tiếng Tây Tạng theo phương pháp Braille dành cho người mù. Thành quả này đã thôi thúc chị đến Tây Tạng để áp dụng, nhưng chị thực sự bị sốc khi chứng kiến hoàn cảnh bi đát của người khiếm thị ở đây. Nhiều trẻ em mù bị gia đình bắt ngồi cả ngày trong buồng tối. Tenberken đã vượt qua vô vàn khó khăn và nghi kỵ để lập ra được trung tâm giáo dục này. Với 35 nghìn người khiếm thị ở Tây Tạng, Tenberken còn rất nhiều việc phải làm. Thế Hưng (Theo AFP) |