Giáo dục đại học ở Trung Quốc Sự phát triển vô tiền khoáng hậu Từ năm 1998, xuất phát từ lời kêu gọi của chính phủ nhằm xây dựng các trường đại học (ĐH) tầm cỡ thế giới, nền giáo dục ĐH của Trung Quốc (TQ) đã có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc cả về lượng và về chất. Nhiều trường của nước này (như ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh...) hiện được coi là có thể cạnh tranh với Harvard hay Sorbonne ở phương Tây. Việc mở thêm tới 1.300 trường ĐH tư thục không những góp phần gia tăng số lượng sinh viên lên gấp 3 lần, mà còn tạo ra một thị trường giáo dục đa dạng và năng động, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về con người của đất nước này. Bùng nổ về lượng...
Hiện nay, nền giáo dục ĐH TQ đang có được một trong những sự phát triển nhiều tham vọng nhất thế giới. Xuất phát từ lời kêu gọi của chính phủ vào cuối những năm 1990 nhằm xây dựng các trường ĐH tầm cỡ thế giới và mở rộng cơ hội cho số đông, nước này đã mở rộng cửa các trường ĐH trước đây vốn chỉ phục vụ cho số ít người. Họ đổ tiền của vào công việc nghiên cứu, mời chào các doanh nghiệp tư nhân như Geely và mở rộng chương trình giảng dạy để bảo đảm các cử nhân của mình trở thành những nhân vật hàng đầu trong nền kinh tế dựa trên tri thức của thế giới. Giống như các câu chuyện khác xảy ra ở TQ trong thời gian gần đây, quá trình này diễn ra cực nhanh. "Đó là sự phát triển vô tiền khoáng hậu" - Gerard Postiglione, chuyên viên giáo dục ĐH Hồng Kông, nhận xét. Ông lưu ý rằng, điều đó đã được thực hiện một cách khá chắc chắn không giống như thường thấy trong các cơn bùng phát mạnh mẽ. "Về quy mô, không thể có điều này ở bất kỳ nơi nào khác".
... và về chất Sự phát triển nói trên làm thay đổi tận gốc rễ hiện trạng giáo dục đã tồn tại từ khá lâu. Giờ đây, nền giáo dục ĐH của TQ bị chi phối mạnh mẽ bởi thị trường với sự xuất hiện của hàng loạt ĐH tư thục. Để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về công nhân lành nghề, các nhà giáo dục phải bổ sung các khoá học mới. Các trường học cũng nhanh chóng điều chỉnh khi số người theo học tăng vọt: Ví dụ, trường ĐH Chiết Giang mới được cơ cấu lại đã tăng số lượng sinh viên của mình từ 10.000 vào giữa những năm 1990 lên khoảng 45.000, một phần nhờ sự hợp nhất với các trường ĐH khác. Trường ĐH Thanh Hoa, một trong 7 trường của TQ được coi là có thể cạnh tranh với Harvard hay Sorbonne, đã đẩy mạnh việc trao đổi với các học giả nước ngoài và mời họ tham gia giảng dạy, đồng thời mở các lớp học sử dụng song ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung). Phần lớn cán bộ giảng dạy của trường được đào tạo ở nước ngoài. Còn sinh viên thì hầu hết biết tiếng Anh, nhiều người trong số họ sử dụng thông thạo tiếng Anh. Đối với những sinh viên mới ra trường, thay đổi ấn tượng nhất là bằng cử nhân của các trường hàng đầu - một thời là bảo đảm cho thành công - hiện nay chỉ được coi là nấc thang đầu tiên trong đường đời. Do vậy, nhiều người lên kế hoạch theo học cao học, thậm chí tiến sĩ. Số lượng tiến sĩ của TQ trong khoảng 1996-2001 đã tăng gần gấp đôi, lên tới trên 8.000 người. Cạnh tranh Tuy vậy, ngay cả bằng cấp của một trường hàng đầu như Thanh Hoa cũng không hẳn là đảm bảo chắc chắn cho tương lai. "Nhiều người muốn làm việc trong các ngân hàng đầu tư, nhưng không thể. - Yi Fang, cô sinh viên vừa tốt nghiệp ngành tài chính cho biết - Tôi phải đứng trước quá nhiều sự lựa chọn. Hiện nay, tình hình trở nên thiếu chắc chắn hơn so với 4 năm về trước". Một phần của sự thiếu chắc chắn này là do sự cạnh tranh quyết liệt giữa các sinh viên và cả các trường ĐH. Phần lớn sinh viên đều muốn lựa chọn các trường công danh tiếng có bề dày truyền thống. Nhưng các trường tư thục cũng có những ưu thế của riêng mình, chẳng hạn át chủ bài của ĐH Geely là các kỹ năng thực tế giúp sinh viên nhanh chóng tìm được việc làm khi ra trường. "Nhu cầu học tập là rất lớn. - Giám đốc điều hành Luo Xiaoming nói - Nhưng chỉ tăng số lượng đầu vào tại các trường ĐH có sẵn không phải là câu trả lời". Luo nhấn mạnh các mục tiêu của trường: rèn luyện thực tiễn và công việc khoa học là cần thiết, cũng như lý thuyết - "nhưng không quá nhiều", còn "đào tạo con người là quan trọng nhất". Mặc dù học phí cao hơn so với trường công, nhưng Geely lại có khả năng tạo công ăn việc làm. Luo cho biết, gần 100% sinh viên tốt nghiệp năm ngoái được tuyển dụng, nhiều người trong số họ làm việc cho Geely. Theo ông, văn hoá đổi mới chính là chìa khoá của thành công. Theo các nhà quan sát, trong 1 thập kỷ nữa TQ có thể kiêu hãnh vì có một số trường ĐH kỹ thuật hàng đầu thế giới. "Đây là giai đoạn quyết định đối với các trường ĐH TQ - Shi Jinghuan, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Thanh Hoa, nói - Toàn bộ xã hội trong đó có giáo dục ĐH đang chuyển mình mạnh mẽ". Còn tiến sĩ William Kirby - nhà Trung Hoa học tại ĐH Harvard - nhận xét: "TQ hiện đang đi đầu trong việc phát triển nhân tài, đó là sự đầu tư tài năng khổng lồ". Hoàng Giang (Theo ABC) |
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (11/08/2005)
▪ "Chim cánh cụt" Pháp chinh phục Trung Quốc (13/08/2005)
▪ Ngành hàng không ngại giá dầu (13/08/2005)
▪ Không được đào hoa (13/08/2005)
▪ Ấn Độ: Lật lại hồ sơ vụ tàn sát người Sikh (11/08/2005)
▪ Cướp ngân hàng theo kiểu Hollywood (11/08/2005)
▪ Đụng độ đẫm máu ở Nepal (11/08/2005)
▪ Khủng bố đe doạ trung tâm tài chính London (12/08/2005)
▪ Giá dầu vượt ngưỡng 65USD/thùng (12/08/2005)
▪ Malaysia lao đao vì khói (12/08/2005)