Có lẽ chưa bao giờ vấn nạn lạm dụng tình dục tại công sở lại trở thành điểm nóng trên tất cả các mặt báo, trên mọi diễn đàn đến như vậy kể từ trước khi các vụ lùm xùm của ông trùm ngành điện ảnh Hollywood Harvey Weinstein bị phanh phui.
Và chính bê bối này cũng một lần nữa khiến từng ngõ ngách trong cuộc sống của nền công nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ được chú ý, khai thác và phân tích.
|
Nhà điện ảnh tên tuổi Hollywood Harvey Weinstein. Ảnh: Gettyimages |
Được ví như một vấn đề toàn cầu, nỗi ám ảnh mang tên quấy rối đã đeo bám nhiều nhân viên ở mọi ngành nghề trong xã hội Mỹ từ thời trang đến tài chính, từ thể thao đến ẩm thực..., vấn nạn này len lỏi đến từng tế bào nhỏ trong xã hội của "xứ cờ hoa". Trong lĩnh vực điện ảnh, nơi khởi nguồn của vụ Harvey Weinstein, hơn 50 nữ diễn viên đã vượt lên sự ngại ngùng, e dè và đe dọa, thậm chí chấp nhận đánh đổi cả sự nghiệp mà họ đã gây dựng để lên tiếng tố cáo kẻ xấu.
Cái xấu được mạo danh bởi danh vọng, quyền lực, bởi những hứa hẹn, cái xấu được che giấu bao năm bởi quyền lực cuối cùng cũng bị đưa ra ánh sáng, gây ra một cú sốc, vén một bức màn nghiệt ngã cho thấy cái giá quá đắt của những nghệ sĩ trong thời buổi bon chen từng thước hình, cái xấu bị vạch trần để thức tỉnh những thế hệ sau.
Trước vụ việc của ông trùm điện ảnh, đâu đó trên các mặt báo người ta vẫn đọc được những dòng tít chấn động về tình trạng người mẫu mới vào nghề phải chấp nhận đánh đổi danh dự và tự trọng để được lên hình, lên bìa tạp chí, để được quảng bá, để được "nổi" trong giới.
Một bộ phận trong số những gương mặt mẫu mới xinh tươi xuất hiện trên các tạp chí, có những bộ ảnh được giới phê bình đánh giá, để được các nhà mode mời gọi đã phải đánh đổi cả bản thân, trao niềm tin sự nghiệp cho những nhiếp ảnh gia có tài nhưng thiếu đức, những quản lý bị dục vọng chi phối.
Người mẫu Cameron Russell thậm chí đã phát động một chiến dịch trên mạng chia sẻ hình ảnh phổ biến Instagram với dòng tiêu đề #MyJobShouldNotIncludeAbuse khẳng định những vấn nạn liên quan.
Có lẽ, giới nghệ thuật có thể được cho là có nhiều điều kiện để cho những "phút bốc đồng" xảy đến, nhưng đến ngay cả ngành tài chính vốn được coi là khô khan, cứng nhắc, vấn nạn này cũng không hề hiếm. Fidelity Investments, một trong những công ty tài chính lớn nhất toàn cầu đã phải sa thải 2 giám đốc điều hành vì các cáo buộc lạm dụng. Tại Mỹ, tài chính là ngành tập trung chủ yếu phái mạnh nên điều này được coi là một nguy cơ tiềm ẩn đối với nữ giới làm việc trong môi trường này.
Trong khi đó, lẫn trong những khói bụi dầu mỡ, trong đam mê nấu ăn vẫn tồn tại một nỗi ám ảnh mang tên lạm dụng. Đầu bếp nổi tiếng John Besh buộc phải từ chức vì những cáo buộc tương tự tại nhà hàng do ông điều hành.
Giới truyền hình cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi cựu Chủ tịch Fox News Roger Ailes hay cựu ngôi sao truyền hình Bill O'Reilly thời gian qua vẫn liên tục bị tố giác có hành vi không đúng mực với các nhân viên và đồng nghiệp nữ. Hàng loạt các tên tuổi khác trong ngành truyền thông, hầu hết đều là những người có uy tín hoặc có ảnh hưởng nhất định đều phải lên tiếng xin lỗi hay từ chức sau khi các cáo buộc lạm dụng xuất hiện.
Chưa dừng lại, vấn nạn này cũng từ lâu đã lác đác để lại nỗi ám ảnh trong giới "cầm ca" ở Mỹ. Mới đây nhất, ca sỹ nhạc rock Marilyn Manson cũng đã tuyên bố loại thành viên Jeordie White ra khỏi ban nhạc của mình xuất phát cáo buộc của bạn gái cũ anh này.
Làng thể thao Mỹ có lẽ sẽ không bao giờ quên những chia sẻ của vận động viên thể dục nghệ thuật từng đoạt huy chương vàng Olympic McKayla Maroney rằng trong suốt sự nghiệp của mình, cô đã phải chịu đựng sự gạ gẫm trắng trợn từ bác sĩ của đội tuyển thể dục quốc gia Mỹ Larry Nassar. Vụ việc lan rộng khi có tới 350 vận động viên thể dục tố cáo chịu ảnh hưởng đã buộc Chủ tịch Hiệp hội Thể dục thể thao Mỹ Steve Penny từ chức hồi đầu năm nay.
Trong hầu hết các sự vụ, thủ phạm đều là những người có quyền hoặc có ảnh hưởng nhất định tới sự nghiệp của nạn nhân. Chính điều này đã khiến cho hành vi phạm tội không bị phát giác và kéo dài cho đến khi hậu quả là quá nghiêm trọng. Điều này một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới quản lý và cả những người có thể là nạn nhân rằng nguy cơ bị lạm dụng là hiện hữu, cần có những biện pháp ngăn chặn cụ thể, khuyến khích nạn nhân lên tiếng để môi trường làm việc trong sạch hơn và những kẻ phạm tội bị trừng trị thích đáng.
Và đây cũng là điều mà thế hệ trẻ cần cảnh giác, cẩn trọng trong những bước đầu xây dựng sự nghiệp, tránh cái giá phải trả quá cao và những hậu quả tinh thần đáng tiếc.