Các mô hình phòng chống mại dâm trên thế giới
Báo Tiếng chuông - 03/09/2016
Qua nghiên cứu luật pháp của hơn 100 nước trên thế giới liên quan đến phòng, chống mại dâm, hiện nay có thể tổng hợp được 4 cơ chế luật được áp dụng phổ biến nhất tại nhiều nước.
Phố đèn đỏ

 

Trong phần lớn thế kỷ 20, nhiều nước trên thế giới đã cố gắng triệt để chống tệ nạn mại dâm bằng cách sử dụng Luật Hình sự để cấm các hoạt động liên quan đến mại dâm như chứa chấp mại dâm, môi giới hoặc khiêu khích mại dâm tại nơi công cộng. Vào đầu thế kỷ 21, các nước có khuynh hướng giảm nhẹ hình phạt đối với hoạt động mại dâm hoặc thậm chí xoá bỏ tất cả các hình phạt và đối xử với mại dâm như một nghề lao động. Khuynh hướng này lại dần thay đổi trong thập niên 20 của thế kỉ 21, sang xu hướng can thiệp, giảm hại, tập trung vào xử phạt các đối tượng tội phạm liên quan đến mại dâm, phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm. Qua nghiên cứu luật pháp của hơn 100 nước trên thế giới liên quan đến phòng, chống mại dâm, hiện nay có thể tổng hợp được 4 cơ chế luật được áp dụng phổ biến nhất tại nhiều nước:

Mô hình tội phạm hóa (hoặc cấm) mại dâm

Luật cấm mại dâm (Prohibition) có nghĩa là tất cả các hình thức hoạt động mại dâm đều là bất hợp pháp và bị xử lý bằng hình sự. Đây là biện pháp được áp dụng tại nhiều bang ở Mỹ, các nước Trung Đông, và một số nước ở Châu Âu và Châu Á. Luận lý của biện pháp này thường nhấn mạnh vấn đề đạo đức và cho rằng mại dâm có tác động huỷ hoại sức khoẻ của người phụ nữ làm mại dâm và cho cả cộng đồng nói chung. Giả định này cũng có nghĩa người ta hy vọng cơ chế này có thể xoá bỏ được hẳn mại dâm trong xã hội. Đa số các luật theo hình thức này trừng phạt người bán dâm và những người liên quan đến hoạt động mại dâm. Mục đích của những  nước theo mô hình luật này là không để vấn đề mại dâm tồn tại lộ liễu trong xã hội như hoạt động mại dâm đường phố và mại dâm nơi công cộng.

Điển hình cho nhóm mô hình này là Nhật Bản, Thụy Điển. Trong đó Thụy Điển là một nước có các chế tài về mại dâm được áp dụng rất khác biệt. Là đất nước đầu tiên xử lý hình sự người mua dâm chứ không phải người bán dâm (Luật mua dâm 1998). mại dâm bị coi là lạm dụng tình dục và là một hành động bạo lực đối với phụ nữ.

Mô hình hợp pháp hóa mại dâm

Nhận thấy rằng biện pháp cấm đoán (prohibition) không mang lại kết quả mong muốn, các nhà hoạch định chính sách chuyển sang biện pháp Luật pháp hoá (legalization), tức là quản lý mại dâm thông qua hình thức đăng ký cấp phép (licensing). Theo đó việc quản lý đăng ký hoạt động mại dâm được thực hiện bởi công an, toà án, các cơ quan có thẩm quyền được bầu chọn, hoặc các tổ chức chuyên ngành độc lập. Các cơ sở kinh doanh mại dâm được yêu cầu phải tuân thủ các hướng dẫn về y tế công cộng và sức khoẻ tình dục cũng như duy trì các điều kiện làm việc phù hợp. Chính sách này mang lại lợi ích cho người bán dâm và khách hàng của họ. Các cơ sở hoặc cá nhân không có giấy phép hợp pháp sẽ bị xử lý hình sự. Biện pháp này nhằm mục đích giảm thiểu tội phạm và những thế lực bao che cho công nghệ mại dâm đồng thời tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với các cơ sở mại dâm cả về số lượng và địa điểm. Các nước theo mô hình này như: Hà Lan, Đức, Ailen, Thụy sĩ, Áo, Đan mạch, Hy Lạp, Thổ Nhĩ kỳ, Senegal,  Bang Nevada- Mỹ, và nhiều bang của Australia (Victoria, Queensland, ACT và Northern Territory).

Ở mô hình này Hà Lan là nước có cơ chế luật pháp hóa điển hình nhất, được mệnh danh là cái rốn của mại dâm Châu Âu. Năm 1997, Hà Lan thi hành luật pháp hóa các nhà chứa. Công nghệ mại dâm phụ thuộc vào một loạt qui định và luật lệ, theo đó một số hoạt động mại dâm chỉ được phép chừng nào đáp ứng được các qui định của chính phủ. Các ‘khu phố đỏ’ được luật pháp hóa với điều kiện đáp ứng các luật lệ của chính phủ. Người bán dâm phải đăng ký với công an thì mới được hoạt động.

Mô hình Phi tội phạm hóa mại dâm

Phi tội phạm hóa (Decriminalisation) mại dâm tức là xóa bỏ toàn bộ luật chống lại hoạt động mại dâm; hoặc dỡ bỏ các điều khoản hình sự áp dụng với các tội mại dâm. Sự khác nhau căn bản giữa luật pháp hóa (legalization) và phi tội phạm hóa (decriminalization) là: đối với phi tội phạm hóa thì không có những qui định cụ thể về mại dâm áp đặt bởi nhà nước; bất kể qui định nào về mại dâm đều được thể hiện qua các qui định dưới luật. Do vậy mại dâm được công nhận là hoạt động kinh doanh hợp pháp và nằm trong thông lệ về việc làm và y tế; và tùy thuộc vào sự quản lý và kế hoạch của địa phương. Lý lẽ để mô hình luật phi hình sự hóa ra đời dựa trên sự chấp nhận một thực tiễn rằng mại dâm là một phần của cuộc sống và nó đã tồn tại xuyên suốt lịch sử và sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai. Theo quan điểm này thì luật hình sự phải được nhằm vào ‘mại dâm bắt buộc’- tức là những nạn nhân bị buôn bán tình dục, cưỡng bức mại dâm và hoạt động mại dâm trước tuổi qui định. Mô hình luật pháp này đã được một số nước áp dụng, điển hình là các bang của Australia - New South Wales (NSW) và Australia Capital Territory (ACT), Đan mạch, Đức, New Zealand…

Mô hình không truy tố (Non prosecution) hay còn gọi là sự thực thi có chọn lọc, tức là chính sách không được điều chỉnh trong luật nhưng lại có tác động dưới dạng chính sách dưới luật; theo cơ chế này, không có sự bắt bớ và không xét xử theo luật mại dâm hoặc các luật khác.

Trước đây, một số Bang của Australia đã áp dụng biện pháp này. Trong nhiều năm, chính phủ các bang Western Australia và Queensland đã triển khai những chính sách ‘kìm giữ’ của công an; theo đó cho phép một số nhà chứa hoạt động trái với luật chừng nào họ tuân thủ các qui định của công an. Chính sách này ở Queesland trước năm 1958 đã làm gia tăng công nghiệp mại dâm đặc biệt là tại những khu vực mại dâm ở Brisbane. Tương tự, một số nhà chứa ở Western Australia đã thực thi chính sách kiểu này do công an kiểm soát trong nhiều năm.

Kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Đó là có khá nhiều mô hình quản lý tệ nạn mại dâm, song mỗi mô hình đều có mặt tích cực và yếu điểm của nó. Thực tế, nhiều nước cũng đã trải qua và có bước đi thích hợp trong việc xem xét có cho mại dâm tồn tại hay không cho tồn tại là tùy theo từng giai đoạn của tình hình kinh tế, xã hội của mỗi nước. Không có mô hình quản lý nào mang lại hiệu quả toàn diện và tuyệt đối. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng một cơ chế và một khung pháp luật phù hợp; chọn lọc những hạt nhân hợp lý để hình thành một mô hình quản lý mới thiết thực, hiệu quả và tránh hình sự hóa.

Bên cạnh đó việc hợp pháp hóa mại dâm và coi mại dâm là một nghề, tổ chức các hình thức hoạt động mại dâm, thậm trí phát triển nền công nghiệp tình dục được một số nước thực hiện, tuy có mặt tích cực, những tác hại và hậu quả của nó được các nước đánh giá còn lớn hơn cái được xét cả về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người và quản lý hiệu quả tệ nạn này. Đa dạng hóa các hình thức quản lý hoạt động mại dâm, kể cả tổ chức quản lý tập trung vào một khu vực, cũng cần được Việt Nam xem xét áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, phong tục tấp quán và hội nhập quốc tế.

Xu hướng không hợp pháp hóa mại dâm, nhưng cần giảm nhẹ việc tội phạm hóa (hình sự hóa) mại dâm để tránh đẩy mại dâm vào hoạt động trá hình là xu hướng đang diễn ra ở nhiều nước. Theo xu hướng này, Việt Nam không coi mại dâm là một nghề, nhưng phải thừa nhận tệ nạn mại dâm là một tồn tại xã hội để áp dụng đa dạng các phương thức, hình thức và biện pháp quản lý hiệu quả đối tượng mại dâm, tôn trọng quyền con người, đối xử nhân đạo, công bằng thông qua tăng cường các biện pháp giảm hại đối với cộng đồng, xã hội từ tệ nạn mại dâm, giúp đỡ đối tượng mại dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội và tái hòa nhập cộng đồng.

Từ kinh nghiệm các nước, việc thực thi có chọn lọc, sử dụng các chính sách dưới luật nhằm tạo các cơ chế cho đối tượng mại dâm dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ phòng, chống HIV, giảm bị bạo lực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân không để phát sinh và hỗ trợ phục hồi, có chính sách an sinh xã hội để tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng là nội dung cốt lõi mà pháp luật của Việt Nam cần phải được điều chỉnh trong thời gian tới.