Châu Á: Nguy cơ thiếu nước trầm trọng Trong một báo cáo mới đây, UNEP (Chương trình Môi trường của LHQ) cảnh báo, những đỉnh núi ở Châu Á trong đó có Hymalaya đang phải đương đầu với những mối đe doạ nghiêm trọng khi tốc độ xây dựng đường sá, nhà cửa và phá rừng ngày càng gia tăng. Phần lớn các sông băng - nguồn cung cấp nước của khoảng một nửa dân số thế giới, có thể sẽ biến mất.
Nhờ kết hợp những nghiên cứu tại chỗ với các hình ảnh chụp từ vệ tinh từ những năm 1960 đến nay, các nhà khoa học đã có thể lần đầu tiên khám phá mức độ thay đổi trong sử dụng đất của Châu Á. Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nạn phá rừng và sử dụng đất thiếu bền vững có thể là lời giải thích cho việc các con sông của châu lục này hiện có nhiều bùn lắng nhất thế giới và lý do tại sao những chất hữu cơ phân huỷ trong nước tăng nhanh hơn bất kỳ một khu vực nào khác. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thảm hoạ như hạn hán và lũ lụt trong vùng này, trong đó có những trận lụt khủng khiếp mới đây tại Trung Quốc và Ấn Độ. Christian Nellemann - cán bộ Trung tâm GRID của UNEP tại Na Uy - nói: "Nước từ khu vực này tác động tới trên một nửa dân số thế giới, nhưng chỉ có dưới 3% lưu vực sông tại đây được bảo vệ. Rất nhiều nơi rừng bị phá hoặc chăn thả gia súc quá mức. Những người nghèo thường phải cư trú tại những nơi có nguy cơ lụt cao nhất, và khi rừng chỉ còn lại thưa thớt ở phía thượng lưu, lụt lội sẽ giáng cho họ những đòn chí tử. Kịch bản này sẽ lặp lại hàng năm và trở nên ngày càng tồi tệ khi khí hậu biến động mạnh, nếu không có biện pháp bảo vệ các lưu vực sông". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải gia tăng các nỗ lực bảo tồn các lưu vực sông trong khu vực này để đảm bảo các nguồn nước an toàn".
Cùng với sự gia tăng tốc độ phá rừng là sự suy giảm số lượng động vật hoang dã trong khu vực. Trong vòng 30 năm tới, số lượng động vật hoang dã tại vùng núi và vùng đất cao ước tính giảm khoảng 20-40%, con số này tại những vùng thấp có thể lên tới 80%. Surendra Shrestha - Giám đốc Văn phòng UNEP khu vực Châu Á-Thái Bình dương-nói: "Nghiêm trọng nhất là tình trạng ở một phần của Pakistan, Bắc Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và Đông Nam Á". Theo ông, tại đây sức ép dân số và sự gia tăng phá rừng có thể tác động mạnh lên sự đa dạng sinh học và các nguồn nước. Nguồn nước bị đe doạ Việc khai thác thiên nhiên một cách thiếu kiểm soát còn gây ra hậu quả lớn hơn nhiều cho chính tương lai của Châu Á - đó là sự suy giảm trữ lượng của các sông băng nằm trên các đỉnh núi cao, hiện là nguồn sống của khoảng một nửa dân số thế giới.
Nhưng hiện nay một nửa vùng núi của Châu Á đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự phát triển hạ tầng, nhà cửa, kèm theo đó là sự thay đổi khí hậu do phá rừng và đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch như dầu lửa, than... Nếu xu hướng trên đây tiếp tục không được kiểm soát, đến năm 2030 thậm chí tới 70% sông băng của Châu Á sẽ biến mất. Như vậy, trong vài thập kỷ tới, rất có thể Châu Á sẽ phải đối mặt với nạn khan hiếm nước trầm trọng, và kèm theo đó là những thay đổi lớn về môi trường và môi sinh nếu không có biện pháp kịp thời. Achim Steiner - Tổng Giám đốc của Hiệp hội Bảo tồn Thế giới (IUCN) - nói: "Các hệ sinh thái miền núi mong manh trên thế giới đang phải đối mặt với những mối đe doạ chưa từng có... Nhưng điều chúng ta có thể làm là phát triển các khu vực này theo hướng bền vững thông qua việc quản lý thống nhất các quyền lợi kinh tế, xã hội và môi trường". Hoàng Giang (Theo One World) |
▪ John Roberts trở thành chánh án toà tối cao Mỹ (30/09/2005)
▪ Ngày 30.9 nộp văn bản tranh tụng vụ kiện dioxin (01/10/2005)
▪ Bão Damrey gây thiên tai tại Thái Lan (01/10/2005)
▪ 150 triệu người có thể chết vì đại dịch cúm gia cầm (01/10/2005)
▪ Mỹ: Cháy lớn ở Los Angeles (01/10/2005)
▪ Chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm cứu nạn giữa VN và Mỹ (01/10/2005)
▪ Từ New York nghĩ về Cát Thịnh (02/10/2005)
▪ Những tỉ phú “hà tiện” (01/10/2005)
▪ "Cuộc chiến thịt bò" Mỹ - Nhật (30/09/2005)
▪ Xuất hiện "goá phụ đen" ở Iraq (30/09/2005)