Chiến dịch truy quét mafia ở Naples
Telegraph - 25/06/2016
Sau thành công của chiến dịch truy quét "mafia thủ đô" tại Rome, cảnh sát Italia tiếp tục mở các đợt tấn công mới vào những băng nhóm tội phạm có tổ chức khét tiếng bấy lâu nay. Lần này, ưu tiên lớn nhất là ngăn chặn tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng và triệt phá các nhóm mafia ở Naples - vùng kinh tế lớn thứ 4 Italia đồng thời là trung tâm văn hóa lịch sử lớn bậc nhất ở châu Âu.
Naples là nơi có nhiều băng đảng mafia khét tiếng hoạt động

 

Chặn mắt xích "bảo kê"

Chiến dịch truy quét mafia ở Naples được thực hiện từ tháng 12 năm ngoái nhưng phải đến tháng 4 năm nay mới thực sự trở thành điểm nóng trên toàn quốc.

Cụ thể, chính phủ Italia đã phải điều động 250 binh sĩ đến thành phố Naples (hay còn gọi là Napoli) để đối phó với tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng do cuộc chiến giữa các băng đảng tội phạm để giành giật địa bàn buôn bán ma túy.

Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano cho biết, tổng cộng hiện có tới hơn 1.000 binh sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh ở Naples và giới chức địa phương vẫn đang tiếp tục kêu gọi thêm sự trợ giúp từ chính phủ. Quyết tâm của Bộ Nội vụ Italia là trong 6 tháng đầu năm 2015 sẽ lập lại an ninh tại khu vực này và tăng cường liên lạc giữa các đơn vị quân đội và cảnh sát cũng như tăng số lượng nhân viên điều tra và lắp đặt thêm các camera an ninh.

Nguồn tin từ cơ quan cảnh sát Italia cho biết, cuộc chiến giữa các băng đảng mafia ở Naples bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái. Nhiều thành viên của băng nhóm mafia Camorra đã ngang nhiên nổ súng trên đường phố rồi ghi hình và đưa lên mạng Internet.

Tham gia các cuộc đụng dộ này còn có thành viên của băng nhóm D'Amico và De Micco. Chúng sẵn sàng hành quyết các nạn nhân ngay trên đường phố đông người và trong các cửa hàng cửa hiệu. Bọn chúng cũng cưỡi trên những chiếc motor phân khối lớn, bắn liên tiếp vài phát đạn vào nạn nhân và biến mất. Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 100 người bị giết, đại đa số họ đều là nạn nhân của nhóm mafia Camorra.

Song song với việc giải quyết tình trạng bạo lực, cảnh sát Italia cũng đã bắt giữ nhiều chính trị gia bảo kê cho mafia. Hãng thông tấn nhà nước Italia ANSA cho biết, sau khi bị tòa án tối cao Rome tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù giam tội lạm quyền khi còn là công tố viên, Thị trưởng Naples Luigi de Magistris lại bị điều tra với cáo buộc bảo trợ cho các hoạt động của những công ty thuộc sở hữu của mafia.

Bên cạnh đó, 16 thẩm phán của Naples cũng đã bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ để ban hành những phán quyết tài chính có lợi cho mafia Camorra. Cảnh sát cho hay, các thẩm phán bị bắt giữ trong một chiến dịch truy quét nhằm vào dòng họ Fabroccino - gia tộc tội phạm được cho là đã hối lộ rất nhiều tiền cho giới hữu trách để có được những phán quyết có lợi từ tòa án. Ngoài 16 thẩm phán, 60 người khác cũng đã bị bắt giữ vì bị tình nghi rửa tiền và tham nhũng. Cảnh sát cũng đã tịch thu nhà cửa, xe hơi và số tài sản trị giá 1 tỉ euro (tương đương 1,3 tỷ USD).

Fabroccino là gia tộc tội phạm nổi tiếng Italia về các hoạt động buôn bán ma túy và tống tiền. Cảnh sát cũng đang điều tra về các vụ đầu tư, buôn bán bất động sản, khách sạn bất hợp mà Fabroccino tham gia, với sự giúp đỡ từ các thẩm phán…

Đập tan quyền lực đen trong bóng đá

Thông thường, tại Italia, những ông trùm mafia thành lập công ty không chỉ để kiếm tiền và làm vỏ bọc cho các hoạt động phi pháp, mà còn muốn nhận được sự kính trọng của người dân địa phương.

Chẳng hạn ở Naples, nằm ở một góc của thị trấn nhỏ ngoại ô, Công ty phân phối các sản phẩm sữa Euromilk trông như những công ty nhỏ khác trên đất nước hình chiếc ủng, nhưng cơ sở kinh doanh với nhiều nhà kho và văn phòng của công ty này lại nằm giữa trung tâm của mạng lưới tội phạm khét tiếng vùng Naples, được thống trị bởi băng nhóm Camorra. Nghĩa là, giống như hàng trăm doanh nghiệp khác trong vùng, Euromilk cũng bị mafia khống chế.

 

Ông trùm Edoardo Contini của băng nhóm Camorra cũng đã bị cảnh sát Naples bắt giữ

 

Cảnh sát nhận định rằng, các ông trùm mafia dính líu đến kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau. Tất nhiên, "đạo đức kinh doanh" của những công ty kiểu này là đe dọa đối thủ cạnh tranh và hối lộ quan chức địa phương. Đồng thời, chúng cũng tận dụng những công ty này để làm vỏ bọc thực hiện các hoạt động rửa tiền mà chúng kiếm được nhờ hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy.

Bên cạnh đó, những công ty kiểu này cũng là nơi cung cấp cho con cái hay người thân ông trùm mafia một công việc "chính đáng" và không bị người khác soi mói. Nhưng sự hiện diện của các công ty do mafia điều hành đã làm vấy bẩn môi trường kinh doanh địa phương. Điều đó dẫn đến hệ lụy là một công ty làm ăn chân chính buộc phải trả tiền "bảo kê" cho các băng nhóm mafia địa phương.

Chưa hết mafia còn biến nhiều đội bóng Italia thành công cụ biểu dương quyền lực, trò tiêu khiển cũng như kiếm lợi nhuận "khủng". Ở thị trấn Quarto thuộc Tây Bắc Naples, đội bóng địa phương La Nuova Quarto Calcio đã rơi vào tay băng Camorra.

Ông trùm Giuseppe Polverino sử dụng La Nuova Quarto Calcio như một linh vật của băng đảng để rửa tiền, đạt được sự tôn trọng của người dân địa phương và trở thành phương tiện làm việc với xã hội "sạch". Không được như La Nuova Quarto Calcio, đội bóng đồng hương Rosarno đã phải xóa sổ trong cuộc chiến chống lại gia tộc mafia Pesce. Đội bóng đã giải thể khi các doanh nhân và người dân địa phương quá sợ hãi trước thế lực của Pesce, băng đảng tội phạm cũng từng sở hữu CLB Cittanova Calcio.

Sự thao túng của mafia ở Naples không những bao trùm các đội bóng địa phương hạng thấp của Italia mà còn vươn ra các giải đấu nghiệp dư. Thậm chí, thời gian trước đây, hằng năm ở Naples các gia tộc mafia đều tổ chức một giải đấu được lấy tên của một ông trùm trong quá khứ là Fortunato Maurizio Audino. Giải đấu thường thu hút từ 500 - 800 thiếu niên 6 - 14 tuổi và đội chiến thắng không đoạt cúp mà thay vào đó các ông trùm sẽ được số ma túy đặt cược với các băng đảng mafia khác.

Chưa hết, mafia ở Naples còn tổ chức dàn xếp tỷ số nhiều trận đấu tại Serie A và Serie B. Bê bối này khiến hàng loạt danh thủ như Giuseppe Signori, Cristiano Doni... bị bắt giữ và nhận án treo giò dài hạn…

Tịch thu những khối tài sản khổng lồ

Tiêu diệt mafia và bắt giữ các ông trùm chưa phải là đoạn kết cho các nhóm mafia. Với quan điểm như vậy nên cảnh sát ở Naples còn quan tâm đến việc tịch thu những khối tài sản khổng lồ nhằm ngăn chặn sự phát triển sau này của các nhóm mafia hoặc không cho chúng có cơ hội "ngoi lên" trở lại.

Năm ngoái, cơ quan bài trừ mafia quốc gia Italia (DIA) đã tịch thu khối tài sản bao gồm đất đai, công xưởng, nhà cửa, quán bar, garage, trạm xăng, xe cộ và các tài khoản thuộc băng Contini ở Naples với tổng trị giá gần 400 triệu euro… Đó là chưa kể đến 13.000 khối tài sản với tổng trị giá lên tới hàng trăm triệu euro được cảnh sát thu giữ hồi năm 2014 và 2013.

Ủy ban Chống mafia của Quốc hội Italia nhận định, khủng hoảng kinh tế tạo điều kiện cho mafia gia tăng mức độ rửa tiền bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp thiếu vốn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Mafia hiện tại không chỉ hoạt động trong những lĩnh vực "truyền thống" như bảo kê, cho vay nặng lãi, buôn lậu ma túy, buôn người, mà còn hoạt động mạnh trong nền kinh tế Italia. Điều này giải thích lý do tại sao mỗi lần triệt phá các băng nhóm mafia, cảnh sát lại thu được nhiều tài sản đến vậy.

Riêng đối với các tài sản bị tịch thu là doanh nghiệp, nhà hàng, sau một thời gian "loay hoay" tìm hướng đi, cuối cùng, Chính phủ Italia đã tìm ra được giải pháp hợp lý nhất. Từ năm 2010, nước này thành lập ANSBC, một cơ quan chuyên quản lý tài sản của mafia. Hiện tại, có vẻ như ANSBC đã làm tốt việc đầu tư những khối tài sản ấy để chúng sinh lời và giải quyết công ăn việc làm mới cho hàng ngàn lao động trong các doanh nghiệp mafia bị tịch thu, nhất là ở Naples.