Chính phủ Thái Lan và quân nổi dậy đối thoại?
Các Website khác - 22/09/2008

Chính phủ Thái Lan và lực lượng nổi dậy ở miền nam nước này, hôm qua (21/9), đã "đồng ý giải quyết cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua bằng con đường đối thoại và nối lại lệnh ngưng bắn". 

>> Bất ổn chính trị tại Thái Lan

Thông tin trên vừa được người phát ngôn Nhà nước Indonesia - Dino Patti Djalal - cho biết từ thủ đô Jakarta. Theo phát ngôn viên này, hai bên đã đạt được thỏa thuận sau hai ngày đàm phán nhờ Indonesia làm trung gian. 

Indonesia là nước có kinh nghiệm ngăn chặn phiến quân ở Aceh và giải quyết các phần tử nổi dậy ở Papua. 

Ông Dino cho hay, đại diện của Chính phủ Thái và Phong trào Hồi giáo nổi dậy miền nam Thái Lan đã kết thúc vòng đàm phán kín đầu tiên hôm qua tại Dinh Tổng thống Indonesia ở Bogor, cách thủ đô Jakarta 50km.

Cảnh sát và lính Thái Lan kiểm tra một xe tải bị trúng bom ven đường ở tỉnh Yala thuộc miền nam hôm 16/9. (Ảnh: Reuters)

"Vòng đàm phán thứ nhất kết thúc hôm nay và có một số thỏa thuận đã đạt được, trong đó có cam kết rằng cuộc xung đột ở miền nam Thái Lan phải được giải quyết một cách hòa bình, và tất cả các bên phải kiềm chế những hành động có thể gây ra bạo lực", Dino nói.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên ở Bogor được dàn xếp bởi Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, kiến trúc sư của tiến trình hòa bình giữa Jarkarta và quân nổi dậy ở Aceh. 

Ông Dino cho biết, đoàn đại biểu của Chính phủ Thái Lan được dẫn đầu bởi Kwanchart Klaharn, một cựu chỉ huy quân đội ở miền nam và cố vấn Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, phát ngôn viên này không nêu danh tính của các đại diện quân nổi dậy.

Ông Dino còn tiết lộ, vòng đàm phán thứ 2 sẽ được tổ chức vào ngày 1 và 2/11 còn vòng thứ 3 là vào giữa tháng. Tất cả đều được tiến hành tại địa điểm trên. 

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Tharit Charungvat lại tuyên bố rằng, Chính phủ Thái Lan không tham gia vào bất kỳ một cuộc hội thoại nào ở Indonesia và không yêu cầu Jakarta làm trung gian hòa giải.

"Chúng tôi không hề cử đại biểu nào tới Indonesia", trích lời ông Tharit. "Lập trường của chúng tôi trong vấn đề ở miền nam là xung đột trong nước và chúng tôi không đàm phán với quân nổi dậy".

Kể từ khi tiến hành phong trào bạo lực ở các tỉnh miền nam Thái Lan năm 2004, lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở nước này chưa bao giờ công khai lộ diện hoặc nhận trách nhiệm về các vụ tấn công vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người.

Hồi tháng 7, các quan chức Thái Lan đã công bố lệnh ngừng bắn nhưng sau đó lại hủy lệnh vì bạo lực vẫn tiếp diễn.

Theo Thanh Hảo