Công nghệ thông tin tìm về đất Phật
Các Website khác - 15/01/2006
Công nghệ thông tin tìm về đất Phật

Không còn là nơi lắp ráp thuê cho các Cty nước ngoài do nhân công rẻ mạt nữa, Ấn Độ - nơi khởi nguồn của đạo Phật - đang thu hút những tài năng hàng đầu của nước Mỹ và những khoản đầu tư lớn chưa từng thấy của những gã khổng lồ công nghệ thông tin như Microsoft (1,7 tỉ USD) và Intel (1,1 tỉ USD).

Điểm đến của tài năng trẻ...
Trong phòng hội thảo của Cty
Infosys tại Nasdad (Ấn Độ).
Erik Simonsen có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH New York, nhưng chàng thanh niên 28 tuổi này quyết định đi nửa vòng trái đất để lập nghiệp. Anh chọn Copal Partners - một Cty công nghệ gần New Delhi. "Tôi bị cuốn hút đến Ấn Độ bởi trong khi thị trường Mỹ đã bắt đầu trì trệ thì tại đây có rất nhiều cơ hội do sự phát triển nhanh chóng của các Cty" - Anh giải thích. Trong khi đó, Tim Hentzel từ ĐH Quản trị kinh doanh Wharton lại lựa chọn Infosys, một Cty kinh doanh và dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin tại Nasdaq vì theo anh, "thực tập sinh của họ (106 người) đến từ khắp nơi trên thế giới, và tôi muốn có kinh nghiệm quốc tế. - Anh khẳng định - Đây là quyết định sáng suốt nhất mà tôi từng lựa chọn".

Simonsen và Hentzel thuộc nhóm những thực tập sinh (TTS) trẻ từ các ĐH hàng đầu của Mỹ "mở đường" đến Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới - để học hỏi kinh nghiệm toàn cầu. Các trường ĐH Mỹ cũng hưởng ứng nhu cầu thời thượng này. "Việc tổ chức đi thực tập đã trở nên quan trọng trong 5 năm qua và Ấn Độ là nơi đặc biệt hấp dẫn do có lợi thế về ngôn ngữ - George Day, GS ĐH Quản trị Kinh doanh Wharton, nói - Chúng tôi không thể chỉ đưa TTS đến Trung Quốc, nơi có vấn đề về mặt ngôn ngữ. Trung Quốc là một guồng máy lớn, nhưng Ấn Độ là nơi "cất cánh"".

Cũng với mục đích tương tự, mùa hè vừa qua, ĐH Yale đã ký kết hợp tác với một vài trường ĐH của Ấn Độ, còn trường Ivy League năm nay sẽ cử 30 TTS đến nước này, và sẽ tăng lên 50 trong năm tới, chưa kể 30 dự án hợp tác đang được thực hiện ở cấp khoa với nhiều chuyên ngành khác nhau. Không chịu kém cạnh, năm ngoái ĐH MIT cũng cử 28 nghiên cứu sinh tham gia chương trình đào tạo tại Ấn Độ do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ tài trợ. "MIT cử sinh viên đến đây do nhận thức được sự toàn cầu hoá - Điều phối viên Deepti Nijhawan nói - Nhưng đó là một sự mạo hiểm".

Và của các Cty lớn
Tuy nhiên, đó không còn là mạo hiểm nữa, khi những gã khổng lồ công nghệ thông tin Microsoft và Intel tuyên bố sự đầu tư chưa từng thấy vào Ấn Độ. Tháng 12 năm ngoái, Bill Gates cho biết ông đã đầu tư 1,7 tỉ USD vào các hoạt động của Microsoft ở nước này trong vòng 4 năm. Khoảng một nửa số đó sẽ được rót cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ở Hyderabad - cơ sở lớn nhất của Microsoft không kể trụ sở chính tại Redmond (Washington). "Ấn Độ đã và đang nổi lên là một điểm đầu tư công nghệ cao hấp dẫn" - Gates nói tại buổi lễ khai trương cơ sở mới tại thủ đô công nghệ cao Bangalore.

Một vài ngày trước đó, Chủ tịch Craig Barrett của Intel cũng tuyên bố Cty ông đã đầu tư 1,1 tỉ USD vào Ấn Độ. Và vào tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn Cisco Systems cũng thông báo ý định đầu tư hơn 1 tỉ USD vào nước này trong thời gian 3 năm. Những khoản đầu tư kếch sù này mở ra cơ hội to lớn cho những tài năng trẻ đến từ Mỹ, nhất là những TTS đã từng có "kinh nghiệm trận mạc" tại Ấn Độ.

Nhưng không phải mọi chuyện đều đã suôn sẻ. Theo Navi Radjou - nhân viên Cty Nghiên cứu Thị trường và Công nghệ Forrester, để hấp dẫn nhiều tài năng Mỹ và cả những người Mỹ gốc Ấn hơn nữa, Ấn Độ cần cải thiện cơ sở hạ tầng yếu kém của mình. "Nếu bạn muốn xây dựng cơ sở sản xuất chip, bạn cần có hệ thống điện tốt và có đường giao thông phù hợp cho vận chuyển. Và nếu bạn muốn những người gốc Ấn trở về nước làm việc, bạn cần cung cấp trường học và nhà ở tử tế cho gia đình họ".

Ngay cả những người dũng cảm như Simonsen cũng mất khá nhiều thời gian để thích nghi với những điều kiện sống còn khá lạc hậu. Anh đã rất ngạc nhiên khi biết rằng căn cứ Gurgaon của anh ở gần Delhi có "bar, các tuyến phố buôn bán và các công trình tầm cỡ thế giới trên các cánh đồng trống trải đầy chó và bồ câu hoang". Bụi bặm là một thứ rất khó thích nghi, và anh đã phát ốm. "Nơi đây rất hiếu khách và tôi cũng là người dễ thích nghi, nhưng đó thực sự là một sự thay đổi lớn về phong cách sống. Tôi cảm thấy nhớ những tiện nghi ở nhà và sự đa dạng của các món ăn".

Tuy nhiên, Simonsen nói rằng những thách thức đó là quá nhỏ so với cơ hội thăng tiến nhanh chóng trong nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 7-8%/năm. Anh đã bắt đầu với Cobol Partners trong vai trò TTS và trong vòng 1 tháng anh đã được cất nhắc lên làm Phó Chủ tịch phụ trách công nghệ thông tin, tuyển mộ và hành chính. Anh vô cùng xúc động. "Tôi sẽ không bao giờ được giao trọng trách như vậy tại một Cty Mỹ. Bạn có thể hoài nghi khi còn ở trong nước, nhưng khi đã đến đây thì mọi chuyện hoàn toàn khác". Hoàng Giang (Theo Newsweek)