Dân châu Á vẫn thích báo giấy
Các Website khác - 25/02/2009

 Trong khi báo giấy phương Tây đang gặp khó khăn thì châu Á vẫn là môi trường còn phát triển được cho các tòa báo.

Dân châu Á đọc báo mọi nơi - Ảnh: lh3.ggpht.com

Cùng với sự phát triển của Internet và các thiết bị cầm tay truy cập mạng, báo giấy ngày càng mất vị thế chi phối về truyền đạt thông tin. Tuy vậy, do đặc thù phát triển và xuất phát riêng, khi tỉ lệ người biết đọc ở châu lục ngày càng tăng cùng với những cải cách báo chí ở nhiều nơi, châu Á đang hưởng giai đoạn phát triển có lẽ là cuối cùng của báo giấy.

Gần 2 tỉ bạn đọc mỗi ngày

Báo Mỹ thêm khó khăn

Danh sách các tờ báo gặp khó khăn vẫn đang tăng nhanh khi hai tờ Philadelphia Inquirer và Philadelphia Daily News đã đệ đơn xin phá sản tối 22-2, sau khi các cuộc đàm phán để tái cơ cấu các khoản nợ thất bại.

Tờ Philadelphia Inquirer thành lập từ năm 1829 với cái tên Pennsylvania Inquirer và là tờ báo lâu đời thứ ba ở nước Mỹ. Năm ngoái doanh thu của hai tờ báo ước đạt 36 triệu USD, nhưng tính toán cho năm 2009 doanh thu của họ sẽ chỉ còn 25 triệu USD. Tập đoàn đang sở hữu hai tờ báo này hiện có khoản nợ lên tới 390 triệu USD.

Với bốn chủ báo sở hữu 33 tờ nhật báo xin bảo vệ khỏi bị phá sản trong vòng hơn hai tháng qua tại Mỹ, khiến nhiều nhà phân tích cho rằng các tờ báo này sẽ buộc phải chuyển một số tờ báo của mình qua báo mạng.

Theo AP, doanh thu của hầu hết các tờ báo ở Mỹ đã sút giảm 20% trong hai năm qua. Mặc dù nhiều tờ báo đã tăng cường các hoạt động trên mạng của mình, nhưng doanh thu trên mạng không đủ để bù lại phần giảm của báo giấy. Trong quý 3-2008, doanh thu quảng cáo báo giấy ở Mỹ đạt 8,2 tỉ USD trong khi doanh thu báo mạng chỉ đạt 750 triệu USD.

Một loạt tờ báo ở Mỹ đã phải đóng cửa hoặc chuyển hoạt động của mình lên mạng trong thời gian vừa qua. Mới đây nhất, lần đầu tiên trong vòng 40 năm New York Times Co. (công ty sở hữu tờ báo số một nước Mỹ) tuyên bố không trả cổ tức cho cổ đông trong quý này.

Doanh thu toàn bộ hoạt động công ty giảm tới 7,7% trong năm ngoái, trong đó riêng doanh thu từ báo giấy giảm 14,2%.

Theo Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN), 8/10 tờ nhật báo được mua nhiều nhất là ở châu Á. Các thị trường báo chí lớn nhất thế giới cũng lần lượt là Trung Quốc (107 triệu bản/ngày), Ấn Độ (99 triệu), Nhật (68 triệu) trong khi Mỹ chỉ đứng thứ tư với gần 51 triệu bản/ngày. Trung bình một ngày có hơn 523 triệu người châu Á mua báo với lượng bạn đọc thật sự khoảng 1,7 tỉ người.

Khi mà rất nhiều người châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu bỏ đặt báo khiến số lượng phát hành giảm 1,84-2,14% trong hai năm 2006-2007 (theo số liệu gần đây nhất của WAN) thì số lượng người đặt báo ở châu Á lại tăng thêm 4,74%. Ở Ấn Độ, chỉ riêng trong năm 2008 có thêm 11,5 triệu bạn đọc mới (doanh thu quảng cáo cũng tăng thêm khoảng 10% - không được mạnh như hai năm trước đó nhưng cũng rất đáng kể).

Rahul Kansal, phụ trách marketing của tờ Times of India (tờ báo tiếng Anh khổ rộng nhiều độc giả nhất trên thế giới và là tờ báo chính trong tổng số 64.998 tờ báo đăng ký ở Ấn Độ), mô tả: “Nhiều người Ấn Độ không thể không có báo khi thưởng thức trà buổi sáng”.

Độc giả hào hứng đọc báo vì báo chí không còn đơn thuần là những tờ tin tuyên truyền hằng ngày của chính quyền nữa. Ở Indonesia, số đầu báo đã tăng từ vài chục khi Suharto bị lật đổ năm 1998 lên gần 800 đầu báo hiện nay.

Vào cuối năm 2008, khi mà rất nhiều báo giấy ở Mỹ in những ấn bản cuối cùng của mình (rồi chuyển lên mạng) thì tờ Globe ở Jakarta lại tăng mạnh số lượng phát hành. Ali Basyah Suryo, cố vấn chiến lược của tờ Globe, phân tích: “Giới trung lưu Indonesia ngày càng phát triển và giờ nhiều gia đình đặt hai tờ báo mỗi ngày. Họ thích cầm tờ báo trong tay, thậm chí cắt và lưu giữ các số báo. Tờ báo được coi như sản phẩm có giá trị”.

Do mức độ phủ Internet còn thấp

Trong 10 năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu cắt dần các khoản trợ cấp cho báo chí. Thực tiễn thị trường tự do đã buộc tổng biên tập các báo phải biết nhắm tới những câu chuyện có thể bán được cho bạn đọc.

Nhiều tờ báo đã biết thu hút bạn đọc hơn với những bài điều tra về tham nhũng hay thậm chí là chuyện đời sống riêng của nhiều ngôi sao.

Một yếu tố nữa giúp sự tiếp tục phát triển của báo giấy ở châu Á là mức độ phủ của Internet nói chung còn thấp nên đảm bảo được vị thế truyền dẫn thông tin của báo giấy (chứ không phải màn hình máy tính hay điện thoại di động). Cho đến cuối tháng 9 năm ngoái, chỉ có khoảng 12,24 triệu người Ấn Độ đăng ký Internet, chẳng là bao so với 180 triệu người Ấn Độ đăng ký đặt báo giấy dài hạn.

Ở các nước Đông Á có thể có nhiều người sử dụng mạng hơn nhưng báo chí ở đó vẫn có sức chi phối mạnh. Ở Nhật, trung bình mỗi gia đình vẫn đặt hơn một tờ báo, đây là nước có lượng độc giả nhiệt tình nhất dù số lượng phát hành báo giấy đã giảm đôi chút trong vài năm qua.

“Khó có thể tìm thấy nước nào trên thế giới mà hầu hết các tờ báo đều in vài triệu bản mỗi ngày như ở đây” - ông Yoichi Funabashi, tổng biên tập tờ Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ hai thế giới (chỉ sau đối thủ Yomiuri Shimbun), với hơn 8 triệu bạn đọc thường xuyên mua báo, nói. Mặc dù vậy các chủ báo cũng thừa nhận họ không hi vọng nhiều vào các độc giả trẻ mua báo giấy. Tờ Asahi Shimbun đang tìm cách thu phí các độc giả dùng qua điện thoại di động và cố hướng tới mục tiêu có 10 triệu người đăng ký dài hạn trong vài năm tới.

Dù là mảnh đất màu mỡ cho báo chí, châu Á cũng được coi là nơi nguy hiểm nhất với phóng viên và người tác nghiệp báo. Trong năm 2008, theo Viện Báo chí thế giới (IPS) có tới 26 nhà báo châu Á đã bị sát hại khi đang làm nhiệm vụ - còn hơn cả Trung Đông. 

Theo Tuoi Tre Online